Đích xa 10% vào năm 2020
Theo kỳ vọng của ông Tuấn, mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện (HTTN) do 6 DNBH nhân thọ đang cung cấp hiện nay có thể đạt con số 10% doanh thu khai thác mới của toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong khi con số này hiện tại chỉ chiếm 2%.
Doanh thu khai thác mới của toàn thị trường tính theo năm cũng là một con số không nhỏ, nên ông Tuấn cho rằng, để đạt ngưỡng trên thì mảng bảo hiểm HTTN cần phát triển dần, ổn định, chứ không mang tính đột biến giống như các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khác (như sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, liên kết đầu tư).
Có nhiều cơ sở để đạt được con số trên, theo các chuyên gia trong ngành, trước hết, đó là dựa vào lượng khách hàng tiềm năng (khách hàng cá nhân và khách hàng DN), những đối tượng sẽ mua loại sản phẩm bảo hiểm này để tận hưởng an nhàn tuổi già cho chính mình và cho nhân viên của mình. Chỉ tính số lượng người lao động đang làm việc tại Việt Nam hiện nay cũng đã cho thấy cơ hội lớn cho phát triển sản phẩm này.
Tại nhiều nước, khách hàng tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện khá phổ biến theo hình thức tự mua hay được DN mà mình đang công tác mua cho. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, sau gần 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 8/2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm từ sản phẩm này đạt 254,1 tỷ đồng với tổng số 13.118 người tham gia, chỉ chiếm khoảng 2% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn thị trường nhân thọ, theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Hiện có đã có 6/6 DN bảo hiểm đủ chuẩn đã ra sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đó là AIA Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ, Dai-ichi Việt Nam, Manulife Việt Nam, PVI Sunlife và Prudential Việt Nam.
“Với khoảng 53 triệu người lao động làm việc thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế tại gần 8.000 DN lớn và khoảng 16.000 DN vừa và nhỏ,... có thể nói, bảo hiểm HTTN có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá.
Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm HTTN được nhìn nhận là dòng sản phẩm hữu ích, được 6 nhà bảo hiểm (Dai-ichi, PVI Sun Life, Manulife, AIA, Prudential và Bảo Việt Nhân thọ) đầu tư kỹ lưỡng sản phẩm cũng như phát triển kênh phân phối.
Không phải đến nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm hưu trí nói riêng, thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung tại Việt Nam mới được nhận diện, mà trong nghiên cứu của giới chuyên gia trước đó, tiềm năng này đã được đánh giá là rất lớn.
Chẳng hạn, PVI Sun Life đã từng chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm HTTN ngay từ năm hoạt động đầu tiên (năm 2013) khi đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, trong đó chủ yếu đến từ việc bán sản phẩm HTTN. Đến nay, PVI Sun Life vẫn đang dẫn đầu thị trường tại mảng này.
Với Bảo Việt Nhân thọ, dù nhập cuộc muộn hơn cả, nhưng giới quan sát cho rằng, DN này đang chiếm ưu thế nhất nhờ lợi thế của cổ đông lớn, mạng lưới phân phối và là DN bảo hiểm nhân thọ Việt Nam duy nhất. Sự góp mặt của Bảo Việt Nhân thọ đang được nhìn nhận sẽ cải thiện đáng kể sự phát triển của dòng sản phẩm bảo hiểm HTTN thời gian tới.
Ngay tại Hội thảo ra mắt sản phẩm bảo hiểm HTTN dành riêng cho khách hàng DN, Bảo Việt Nhân thọ đã công bố 2 khách hàng lớn là Tập đoàn Bảo Việt (nắm 100% vốn tại Bảo Việt Nhân Thọ) và Vinare. Đây đều là 2 doanh nghiệp lớn trên thị trường tài chính, bảo hiểm với mức thu nhập bình quân của người lao động tương đối hấp dẫn. Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt có tới gần 70.000 cán bộ nhân viên, đại lý tư vấn viên bảo hiểm và môi giới chứng khoán trên toàn hệ thống.
Hiện chưa đầy 2%
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, doanh thu bảo hiểm HTTN đạt gần 279 tỷ đồng thông qua việc cung cấp cho 20.000 khách hàng.
Cũng theo thống kê của Cục này, thu phí khai thác mới 9 tháng vẫn tăng trưởng mạnh (tăng 51% so với cùng kỳ), ước đạt gần 8.932 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1,7% doanh thu khai thác mới, còn nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng cao nhất với 41,9%, bảo hiểm liên kết đầu tư 44,6%, bảo hiểm tử kỳ 2,8%...
Câu hỏi đặt ra là thị phần bảo hiểm HTTN còn khiêm tốn, chỉ chưa đầy 2% như trên là do đâu? Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sản phẩm này chưa thực sự hấp dẫn?.
Trả lời câu hỏi trên, ông Tuấn khẳng định, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm này thực sự rất lớn, cả về chính sách thuế lẫn chính sách phát triển sản phẩm. Còn để phát triển mạnh mẽ hơn cần nỗ lực chung của toàn thị trường, trong đó không chỉ có nỗ lực từ phía cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện các văn bản liên quan, mà còn ở sự đầu tư cho sản phẩm, kênh phân phối từ phía DNBH và đặc biệt là cải thiện được tầm nhận thức của người tham gia bảo hiểm.