Sáu tháng đầu năm 2015, trong khi doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ chỉ tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ thì các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lại có sự đột biến lớn khi doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới tăng trưởng tới hơn 40%.
Trao đổi với ĐTCK về con số rất ấn tượng này, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, doanh thu phí khai thác mới của khối nhân thọ bùng nổ trong 6 tháng đầu năm là kết quả của công cuộc mở rộng mạng lưới phân phối bảo hiểm từ thời gian trước đó. Trải qua thời kỳ đầu khó khăn khi mới đi vào hoạt động, các kênh phân phối mới mở đã đi vào hoạt động ổn định và bắt có doanh thu khai thác.
Ngoài ra, cũng phải nói đến một nguyên nhân quan trọng khác là tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu ấm lên, người dân có nhiều khả năng hơn để tham gia các loại hình bảo hiểm. Và hơn nữa, trải qua nhiều khó khăn khi gặp rủi ro không được bảo vệ, ý thức về bảo hiểm của người dân cũng ngày càng nâng cao….
Theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu phí toàn thị trường ước đạt 30.536 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu khai thác mới trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng hơn 40%, đây là mức tăng trưởng cao trong 10 năm vừa qua.
Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 175.139 tỷ đồng, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2014; tổng số tiền đầu tư ước đạt 141.532 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 104.907 tỷ đồng, tăng 22,5 % so với năm 2014; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 39.629 tỷ đồng, tăng 2,5 % so với cùng kỳ năm 2014...
Cùng với việc tạo ra con số doanh thu đầy ấn tượng, từ đầu năm đến nay, thị trường cũng chứng kiến những thay đổi lớn của một số công ty bảo hiểm. Không chỉ những công ty bảo hiểm có thị phần lớn đang có những thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, tiếp tục mở rộng địa bàn như Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam…, mà một số công ty bảo hiểm có thị phần còn nhỏ cũng có nhiều thay đổi.
Chẳng hạn như VietinAviva và Prévoir Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và phát triển thêm kênh đại lý sau nhiều năm đi theo hướng riêng là chỉ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và hệ thống bưu điện.
Vừa chính thức khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng và văn phòng đại lý bảo hiểm nhân thọ tại Hà Nội và sắp tới sẽ là TP. HCM, đại diện Prévoir Việt Nam cho biết, cùng với việc khai trương văn phòng mới, Prévoir Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển dụng những nhân sự phù hợp cho đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, cũng như nhiều vị trí kinh doanh khác nhằm đáp ứng chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn quốc của công ty.
Thực tế, để có thêm khách hàng thì ngoài việc phát triển dịch vụ, cho ra thị trường những sản phẩm đáp ứng đúng đủ nhu cầu của người dân thì việc mở rộng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm bảo hiểm là hướng đi tất yếu của các công ty bảo hiểm.
Vì thế, ngoài mô hình đại lý, liên kết ngân hàng hay kênh tiếp thị trực tiếp…, thời gian tới thị trường sẽ đón nhận thêm một số mô hình khai thác bảo hiểm mới. Tuy nhiên, CEO một công ty bảo hiểm dù thừa nhận việc mở rộng hệ thống là tất yếu cho sự phát triển của mỗi công ty, nhưng cũng cho rằng, việc đó không nên theo kiểu tuyển dụng ồ ạt…
Nói rộng ra toàn thị trường, theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm nhân thọ đang đón chờ những cơ hội mới khi bảo hiểm đang dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân và thị trường này sẽ còn mở rộng hơn nữa khi Việt Nam tiếp tục tham gia nhiều cộng đồng kinh tế lớn… Nhưng tất nhiên, đi cùng cơ hội sẽ là sự cạnh tranh quyết liệt. Và điều lo ngại nhất của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn là câu chuyện dùng tiền mua nhân sự và dùng “kỹ xảo” để “kích” doanh thu khai thác mới.
Chẳng hạn như việc tạo doanh thu bằng các chương trình thi đua khen thưởng hậu hĩnh thường được các công ty bảo hiểm mới vào thị trường sử dụng vì đây là việc “đầu tư” cần có để giành thị phần, nhưng sẽ đáng lo ngại khi các công ty bảo hiểm lớn cũng sử dụng “chiêu” này.