“Đã đến lúc sáp nhập các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) yếu với nhau, với phí ‘mai táng’ bằng không nhưng vẫn chôn được DNBH yếu”. Đó là chia sẻ của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) và cũng là quan điểm của các DNBH lớn.
Sống mòn
Theo lãnh đạo một DNBH thuộc Top đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, cần sớm M&A DNBH yếu như một hành động cấp thiết gắn liền với chiến lược tái cấu trúc ngành đang được triển khai. Tuy nhiên, chọn hình thức xử lý nào: xóa sổ hẳn, sáp nhập DNBH yếu với nhau hay sáp nhập vào một DNBH đủ lớn để tạo ra một DN mới đủ khỏe, đó là điều cần cân nhắc.
“Nếu DN hoạt động trên 5 - 6 năm, tái cấu trúc mãi mà doanh thu lẫn lợi nhuận không cải thiện, tỷ lệ bồi thường/doanh thu phí lên tới hơn 100%, không tập trung bán bảo hiểm mà đầu tư dàn trải thì sao phải giữ lại hoạt động, nên xử lý sớm cho xong”, một lãnh đạo DNBH cấp trung thẳng thắn nói và cho biết, Indonesia và Philippines từng nở rộ làn sóng M&A DNBH.
Ông Lộc cho hay, ở khối ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho ghép một số ngân hàng yếu kém với nhau thành một ngân hàng có quy mô và sức cạnh tranh hơn. Với khối CTCK, cũng có thương vụ sáp nhập tương tự. Đã đến lúc những DNBH yếu kém cũng nên sáp nhập với nhau hoặc chuyển đổi.
Cần nhắc lại, cũng giống khối chứng khoán, làn sóng thành lập DNBH từng nở rộ từ những năm 2006 - 2008 với 11/29 DNBH được thành lập. Có DN được lập chỉ với mục tiêu để bán lại giấy phép, còn về thực chất gần như không hoạt động nhiều về bảo hiểm, thậm chí nhân sự, kể cả cấp cao cũng không có nhiều kinh nghiệm về bảo hiểm.
Theo số liệu báo cáo các DNBH phi nhân thọ gửi AVI, năm 2014, Phú Hưng đứng cuối bảng về doanh thu phí bảo hiểm gốc với hơn 28 tỷ đồng doanh thu phí, trong khi tỷ lệ bồi thường/doanh thu phí lên tới 170%, lỗ 14,5 tỷ đồng.
Như vậy, so với DNBH đứng ngay kế trên là Cathay, doanh thu phí của Phú Hưng chỉ bằng 1/3. Còn nếu so với DNBH dẫn đầu thị trường là Bảo hiểm PVI, đó là một khoảng cách rất xa, chỉ bằng 0,5% (Bảo hiểm PVI đạt trên 5.800 tỷ đồng doanh thu phí năm 2014).
Xét về hiệu quả hoạt động, năm 2014, AIG lỗ lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với hơn 161 tỷ đồng; Fubon đứng thứ 2 với khoản lỗ gần 103 tỷ đồng; VASS đứng thứ 3 với khoản lỗ hơn 63 tỷ đồng. Tiếp theo là Cathay lỗ 57 tỷ đồng; ACE lỗ 39 tỷ đồng... 
Tại sao chưa ‘chết’?
Không phải đến giờ khi các DNBH yếu đã ở tình trạng báo động về sự tồn tại (do số tiền bán bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí lẫn bồi thường cao dẫn đến lỗ nặng) thì câu chuyện xóa sổ thông qua hình thức M&A mới được đặt ra. Mà ngay từ vài năm trước, theo tìm hiểu của ĐTCK, VASS đã từng ngỏ lời muốn được một DNBH lớn về thị phần “cứu” thông qua hình thức M&A. Một DNBH nhỏ khác, sau nhiều năm gần như án binh bất động trong doanh thu, lỗ lũy kế không thuyên giảm, cũng đã tìm đến các DNBH lớn hơn nhờ cứu.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có DNBH nào công khai một cách chính thức hay phi chính thức về chuyện này. Có vẻ như gỡ tắc cho nhà bảo hiểm yếu mới chỉ nằm trong suy nghĩ.
Theo giới quan sát, lý do căn bản khiến DNBH lớn không mặn mà trong việc hợp nhất DNBH là do DNBH yếu không có bất kỳ điểm hấp dẫn nào, từ mạng lưới khách hàng đến tài sản, công nghệ. Chưa kể, 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc mang lại lợi ích cho nhau. Tất nhiên, không phải DNBH yếu nào sau khi cân đối các lợi ích cũng muốn M&A.
“Hiện chúng tôi có khách hàng riêng, có doanh thu nhất định, năm 2014 đã giảm chi bồi thường bảo hiểm xuống còn 36,62%. Không có chuyện Công ty đóng cửa hoạt động như tin đồn. Mọi hoạt động của DN vẫn đang diễn ra bình thường. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tái cấu trúc, sẽ nghiên cứu, rà soát và nếu thấy cần thiết sẽ sáp nhập. Tuy nhiên, M&A hay không trước tiên vẫn phải dựa trên ý muốn của DN”, lãnh đạo Bảo hiểm Xuân Thành chia sẻ với ĐTCK ngay sau khi DN này bị Bộ Tài chính bổ sung vào danh sách không an toàn về vốn.
Một lãnh đạo DNBH yếu khác cho rằng, DN yếu hầu hết là những DN mới thành lập, nên cũng cần cho họ thêm thời gian để ổn định hoạt động và phát triển.
Không phủ nhận những nỗ lực trong công cuộc tái cấu trúc của các DNBH thuộc Top cuối thị trường để tồn tại, nhưng trong khi chờ được cứu, có lẽ những DN này không còn cách nào khác là tự cứu mình bằng việc tiếp tục hoàn thiện năng lực.