Ảnh Internet
Có thể khẳng định, 2015 tiếp tục là năm thành công của thị trường bảo hiểm Việt Nam.Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều tồn đọng cần giải quyết.
Bởi vậy, để thị trường bảo hiểm phát triển hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới, cần nhiều nỗ lực đến từ phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp bảo hiểm.
Thành quả nhiều, nhưng tồn đọng cũng không ít
Tại lễ kỷ niệm ngày truyền thống thị trường bảo hiểm Việt Nam diễn ra mới đây, ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) tổng kết, toàn thị trường bảo hiểm đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, trong đó doanh thu bảo hiểm năm 2015 tăng trưởng ấn tượng gần 22% so với năm 2014, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế - xã hội.
Năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng trưởng vững chắc. Giá trị tổng tài sản ước đạt 201.132 tỷ đồng, tăng hơn 17%; dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng gần 24%, ước đạt 120.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Tổng số tiền đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2015 ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014.
Có được kết quả này, theo ông Bằng, ngoài nỗ lực tự thân vượt khó, nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản lý điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm, còn đến từ việc quan tâm, giải quyết khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời của các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, ông Bằng cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều điểm còn tồn tại, đó là cạnh tranh không lành mạnh (tăng chi phí cạnh tranh, hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản bảo hiểm); thiếu sự hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm; hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp cũng như trong áp dụng công nghệ thông tin...
Để từng bước khắc phục những tồn đọng, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển hiệu quả, an toàn, Chủ tịch AVI tin tưởng, sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của toàn thị trường, cũng như hỗ trợ của cơ quan trong và ngoài ngành.
Trước đó, tại Hội nghị Tái bảo hiểm lần thứ VI do Vinare tổ chức tại Nha Trang, các chuyên gia đến từ AVI, Vinare, Bảo hiểm Bảo Việt, QBE Việt Nam, Munich Re cũng đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị nhằm góp phần phát triển thị trường này bền vững và hiệu quả hơn.
Giải pháp cụ thể
Với cơ quan quản lý, các chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tăng cường các giải pháp hỗ trợ và định hướng thị trường phát triển... Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo ông Mai Xuân Dũng, Phó tổng giám đốc Vinare, các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là khối phi nhân thọ, nên đưa ra những đánh giá hiệu quả theo năm hợp đồng/nghiệp vụ kết hợp với tính đủ dự phòng nghiệp vụ, phân bổ chi phí tái bảo hiểm hợp lý để có nhận định đúng.
“Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng chất đội ngũ cán bộ khai thác viên và quản lý nghiệp vụ; chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý, đánh giá rủi ro trước và sau khi cấp đơn như giám định/thu thập thông tin về rủi ro đầy đủ, chính xác; tư vấn cho khách hàng các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất; chú trọng xem xét năng lực tài chính của người tham gia bảo hiểm để hạn chế khả năng trục lợi bảo hiểm, đảm bảo thu phí đúng tiến độ”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng cường hợp tác nội khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên mọi lĩnh vực cũng được đưa ra nhằm chia sẻ thông tin, đặc biệt là thông tin trục lợi bảo hiểm cũng như đồng bảo hiểm khi có thể, nhất là những dịch vụ lớn.
Các giải pháp được tập trung vào 5 nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ tái bảo hiểm lớn, đó là: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tàu biển và bảo hiểm hàng hóa.
Với bảo hiểm tài sản, cần xem xét áp dụng biểu phí cháy nổ bắt buộc như tỷ lệ phí bình quân, không nên áp dụng là tỷ lệ phí tối đa, cần có điều kiện ràng buộc nhất định đối với rủi ro nhóm 1 và 2 (phí, mức khấu trừ …), cần đặc biệt quan tâm tới những đơn bảo hiểm có số tiền bảo hiểm cho kho hàng lớn hay tăng đột biến.
Liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm, cần vận dụng các quy định về bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt trong bảo hiểm trách nhiệm hành nghề y, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các nhà thầu tư vấn xây dựng, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo cán bộ chuyên trách về bảo hiểm trách nhiệm, quan tâm đúng mực hơn trong việc đánh giá rủi ro.
Hay với bảo hiểm kỹ thuật, cần đặc biệt lưu lý khi đánh giá rủi ro và khai thác đối với một số loại hình bảo hiểm xi măng, đê đập; chú trọng khai thác đơn tái tục, giúp ổn định doanh thu phí bảo hiểm.
“Cần hợp tác xây dựng và áp dụng biểu phí sàn, tăng mức khấu trừ; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, đặc biệt trong các khâu đánh giá rủi ro, giám định và bồi thường”, một đề xuất được đưa ra liên quan đến bảo hiểm tàu biển.
Còn với bảo hiểm hàng hoá, đó là đề xuất hợp tác trong giải quyết khiếu nại, bắt tàu; chia sẻ thông tin gian lận tại các cảng biển...
Tuy nhiên, dù là nghiệp vụ bảo hiểm nào thì theo các chuyên gia, cũng cần chuẩn hóa mẫu đơn và các điều kiện điều khoản mở rộng, áp dụng mức khấu trừ hợp lý, dựa vào chất lượng rủi ro và tỷ lệ phí, lựa chọn công ty giám định có uy tín, chất lượng, tuân thủ đúng các cam kết giữa các doanh nghiệp.