(ĐTCK) Dù có những khó khăn riêng như nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, nhân sự lành nghề còn thiếu hụt, nhưng thị trường mới nổi chính là “miền đất hứa” với các tập đoàn tài chính - bảo hiểm quốc tế, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
Tốc độ tăng trưởng cao
Đánh giá chung về triển vọng kinh doanh giai đoạn 2015 - 2016, nhiều nhận định cho rằng, ngành bảo hiểm tại các thị trường mới nổi vẫn tiếp tục thuận lợi. Tuy nhiên, lãi suất đồng USD tăng trở lại trong tương lai gần có thể dẫn đến sự biến động nhanh hơn của thị trường tài chính và đe dọa triển vọng tăng trưởng của một số thị trường mới nổi.
Ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại các thị trường mới nổi dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn 2015 - 2016. Tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ tiếp tục mạnh ở các thị trường châu Á mới nổi, trong khi các khu vực khác tăng trưởng chậm hơn. Cụ thể, về doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu, nhiều dự báo cho rằng, thị trường này sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2015 và 3,2% năm 2016 (cao hơn so với mức tăng 2,5% của năm 2014). Đối với bảo hiểm nhân thọ, các dự báo cũng cho rằng, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới, dự đoán ở mức khoảng 4,3% năm 2015 và 4,2% năm 2016.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ở các thị trường đã phát triển dự đoán tăng trưởng 3% năm 2015 và 2,8% năm 2016. Tại các thị trường mới nổi, doanh thu phí được dự đoán tăng trưởng 10,4% năm 2015 và 10,7% năm 2016. Trụ cột chính của bảo hiểm nhân thọ là các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm, chiếm tỷ trọng 85% tổng phí bảo hiểm nhân thọ…
Việt Nam cũng được coi là một trong những thị trường bảo hiểm mới nổi với tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm luôn đạt trên 2 con số cho cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Dù năm 2013, lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng đầy hứng khởi, tốc độ tăng trưởng của khối phi nhân thọ sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 7%, nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng đáng mơ ước của nhiều thị trường. Trong khi đó, khối nhân thọ nhiều năm qua doanh thu phí bảo hiểm luôn duy trì ổn định mức tăng trưởng hai con số.
Báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho biết, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10,5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%. Năm 2015, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm dự kiến ngành bảo hiểm sẽ đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm 59.319 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.775 tỷ đồng, tăng 10% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 31.544 tỷ đồng, tăng 15%.
Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa phản ánh hết sự phát triển của các thị trường, bởi ở các thị trường bảo hiểm đã phát triển, dù tốc độ doanh trưởng không cao, nhưng giá trị tuyệt đối của doanh thu phí bảo hiểm của những thị trường đó rất lớn. Còn những thị trường mới nổi như Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay vẫn còn rất thấp, nếu không nói là quá thấp, chỉ đạt khoảng 2% GDP, trong khi doanh thu phí bảo hiểm/GDP của các nước trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Malaysia hay Singapore… đã đạt khoảng 15 - 17%.
Điểm đến Việt Nam
Dù cả hai khối phi nhân thọ và nhân thọ vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng khối nhân thọ có phần sôi động hơn. Bất chấp tình hình kinh tế thế giới những năm qua có nhiều khó khăn, mỗi năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn có thêm một, hai “tân binh”. Các “tân binh” này đều có phần vốn góp từ các tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn trên thế giới. Trong khi tại khối phi nhân thọ, thời gian gần đây, không có thêm doanh nghiệp bảo hiểm mới nào tham gia thị trường. Có lẽ tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang tham gia thị trường đã tạm đủ so với nhu cầu.
Với khối nhân thọ, hiện đang có 17 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, nhưng số lượng này được dự báo sẽ còn tăng thêm theo thời gian, vì danh sách doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn được vào thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Một khảo sát tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam của Tập đoàn AIA mới đây cho thấy một thông tin khá thú vị: có tới 23% người tham gia khảo sát nói rằng họ phó thác số phận của mình cho sự may rủi. Nếu có một khảo sát riêng cho thị trường Việt Nam, có lẽ tỷ lệ người không quan tâm đến công cụ tự bảo vệ - bảo hiểm nhân thọ còn lớn hơn nhiều. Và nhiệm vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là thay đổi nhận thức về vai trò bảo hiểm của xã hội. Đây chính là thách thức cũng như cơ hội của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Năm 2015, dự báo doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 31.544 tỷ đồng, tăng trưởng 15% 
Thực tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nhiều năm qua không chỉ là mảnh đất màu mỡ đem lại lợi nhuận tốt cho các nhà bảo hiểm, mà còn được xem là “đất lành” với các nhân sự cấp cao trong ngành. CEO các công ty bảo hiểm như ACE Life Việt Nam (ông Lâm Hải Tuấn, hiện là Phó chủ tịch cấp cao ACE Life toàn cầu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ACE Life Việt Nam) hay Dai-ichi Life Việt Nam (ông Takashi Fujii hiện là Chủ tịch HĐQT Dai-ichi Life Việt Nam, một chức danh thường chỉ dành cho người bản xứ ở tổng hành dinh) đều được Tập đoàn đánh giá rất cao vì những đóng góp vào sự phát triển của Công ty tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiều CEO các công ty bảo hiểm khác như Prudential, Manulife… qua từng thời kỳ. Vì thị trường Việt Nam còn quá nhiều cơ hội để thử sức, nên cũng có câu chuyện, tại một tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn ở châu Á đang có hẳn một danh sách những nhân sự cấp cao muốn sang Việt Nam để đảm trách vị trí “thuyền trưởng”. Tất nhiên, không phải cứ đến Việt Nam làm CEO là sẽ có thành công. Bởi ngoài tài trí, niềm đam mê và tâm huyết, thì cần cả yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ghi dấu tên tuổi của các CEO bảo hiểm nhân thọ đã, đang và sẽ thử sức tại mảnh đất này. 
Dù gặt hái thành công hay rơi vào thiểu số chưa thành công, thì trong chiến lược dài hạn của nhiều tập đoàn tài chính - bảo hiểm trên thế giới, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam luôn được xếp trong phân khúc thị trường trẻ, với tốc độ phát triển hàng năm từ 20 - 30%.
"Không chỉ có tiềm năng về bảo hiểm nhân thọ, cơ hội phát triển các sản phẩm đầu tư cũng rất lớn. Tôi tin rằng, ở Việt Nam, trong vòng vài năm nữa, công ty cũng sẽ rất thành công trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản", lãnh đạo cấp cao một tập đoàn đang có công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Việt Nam chia sẻ.      
 
Top