Nhìn chung, những tháng còn lại của năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ đón nhận thêm nhiều thông tin mới về các sản phẩm, cũng như những thay đổi chiến lược kinh doanh từ các hãng bảo hiểm.
6 tháng đầu năm 2016, số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,9%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 36,78% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm qua. Mức tăng trưởng này chính là động lực cho các hãng bảo hiểm triển khai các kế hoạch phát triển kinh doanh mới.
Những tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã chứng kiến sự gia nhập của nhiều thương hiệu mới, bao gồm cả những thương hiệu được tạo ra sau các thương vụ M&A lớn. Đặc biệt, việc nhà đầu tư ngoại nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh cũng sẽ mang đến những thay đổi lớn cho bảo hiểm nhân thọ nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung, nâng cao tính cạnh tranh trong cuộc đua nắm giữ thị phần. Đây có thể được xem là động lực lớn để các doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm, qua đó giúp thị trường mang tính cạnh tranh hơn, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng.
Các tên tuổi mới như FWD hay PVI Sunlife (đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài) sau những thay đổi từ nội tại đang được kỳ vọng sẽ có chiến lược và bước đi mới nhằm “hâm nóng” tên tuổi trên thị trường trong thời gian tới. Tên tuổi mới sẽ khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng cục diện thị phần của toàn thị trường khó có thay đổi lớn ngay trong thời gian tới và thị phần doanh thu khai thác phí vẫn nằm phần lớn trong tay các doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu. Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn là với sự tham gia của các nhân tố mới, các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường sẽ ngày càng phong phú hơn.
Về sản phẩm – dịch vụ cung cấp ra thị trường, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe được nhận định vẫn là sản phẩm “hot” của khối này. Ngoài ra, sản phẩm bảo hiểm hưu trí có thể được khuấy động trở lại do nhu cầu về bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cho người cao tuổi sẽ tăng, khi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số khá nhanh. Phân khúc này có thể sẽ xuất hiện thêm những tên tuổi mới ngoài những doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm hưu trí.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, dòng bảo hiểm liên kết chung sẽ là một trong những hướng đi chủ lực của các công ty trong thời gian tới. Ngoài ra, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dành cho những đối tượng khách hàng chuyên biệt có thể tạo ra nhu cầu trong thời gian tới, như sản phẩm dành cho người nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt hay các bà mẹ đơn thân… Hiện các sản phẩm kiểu này chưa có tại Việt Nam, nhưng một số hãng bảo hiểm lớn đang nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới để sớm triển khai tại thị trường nội địa.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, thị trường càng nhiều cơ hội và tiềm năng thì thách thức sẽ càng lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương được ký kết sẽ tạo ra mức độ thâm nhập thị trường rất cao cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Điều đó khiến cho những doanh nghiệp bảo hiểm hiện hữu cần có những chiến lược phát triển phù hợp với sự thay đổi của thị trường, nhằm hướng đến mục đích cuối cùng: mang lại lợi ích ngày càng cao và thiết thực nhất cho khách hàng, song song với việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh doanh.
“Dù vẫn còn những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, nhưng tư duy làm mọi cách để có thị phần và hợp đồng bảo hiểm của thị trường đã thay đổi ít nhiều. Thay vào đó, các doanh nghiệp có chiến lược dài hơi, vững chắc hơn trong cuộc đua giành thị phần”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.