“Muốn thành công, ngoài đam mê thì phải thích kiếm tiền”, là lời khuyên của nhiều nhân viên xuất sắc về bán bảo hiểm và ngân hàng gửi gắm tới các “đàn em” hay những đồng nghiệp muốn được như họ.
Bên ly cà phê cuối tuần trong tiết trời cuối thu Hà Nội, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt, một “hoa khôi” bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ M. đang “thao thao bất tuyệt” về những kinh nghiệm chinh phục khách hàng cùng với các thành viên trong nhóm. Những lời cô nói ra được các đồng nghiệp, nam có, nữ có, ngồi nghe chăm chú, thi thoảng gật đầu hoặc cười rộ lên vẻ tán dương, khen ngợi về kỹ năng bán hàng của vị “sếp” nữ ngoài 60.
Theo lời cô Nguyệt, cô tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm từ năm 2009. Thời điểm ấy, cô vừa nghỉ hưu thì được bạn bè rủ tham gia bán bảo hiểm. Nghe bạn bè nói cũng thấy hấp dẫn, thế là cô tham gia khóa đào tạo 2 tuần của công ty. Ngày "lễ tốt nghiệp", cô đã ký được 55 hợp đồng, nhiều nhất trong khóa đó và được vinh danh là “hoa khôi” của khóa. Và nhờ có duyên cũng như mối quan hệ, cô liên tục đạt doanh số cao và số người tham gia vào nhóm của cô ngày một đông, vì thế chỉ sau 1 năm cô đã lên cấp quản lý cao.
Vậy làm sao để kiếm được nhiều hợp đồng như vậy? Cô Nguyệt kể, đầu tiên là cô đi mời bạn bè, nhất là những người làm lãnh đạo doanh nghiệp vì nếu họ đồng ý mua bảo hiểm cho nhân viên thì số lượng hợp đồng là rất lớn. Chính những hợp đồng đầu tiên đạt được cô đã thông qua kênh này, là công ty của chồng cô.
Cô cũng nhờ bạn bè, đối tác giới thiệu nếu có ai đó muốn mua bảo hiểm và rồi cảm ơn họ, có thể là bằng việc chia sẻ hoa hồng, tế nhị hơn thì tặng quà, đôi khi đơn giản là ly cà phê hoặc đi mua sắm cùng...
Ngoài ra cô còn chăm chỉ tham gia các nhóm, hội để có cơ hội tiếp xúc thêm với khách hàng, thậm chí là bỏ tiền đi spa để có thể tiếp xúc được những đối tượng giàu có, có khả năng mua bảo hiểm cao.
Sau khi bán được bảo hiểm cho khách, tự cô tiếp tục chăm sóc các khách hàng này không chỉ năm đầu tiên mà cả những năm tiếp theo, vì thế người này giới thiệu người khác, số lượng khách đến với cô để mua bảo hiểm của công ty ngày một đông.
Cũng theo lời cô Nguyệt, để có được đông khách hàng như vậy thì phải có tình yêu và đam mê với nghề thực sự thì mới nỗ lực. Ngoài ra, bán bảo hiểm có hoa hồng khá cao nên những ai càng có “máu kiếm tiền” thì sẽ càng dễ thành công vì họ có mục tiêu để phấn đấu rõ ràng.
Một câu chuyện tương tự, chị Chu Quỳnh Trang là nhân viên xuất sắc của ngân hàng K. kể rằng, hiện nay thu nhập của chị không dưới 40 triệu đồng mỗi tháng. Phần thu nhập này ngoài lương, thưởng, còn có tiền hoa hồng của các đối tác bảo hiểm, bất động sản, trái phiếu, ô tô… liên kết với ngân hàng trả cho chị khi chị giới thiệu hoặc bán thành công sản phẩm dịch vụ. Ở nhóm của chị có 7 người nhưng thu nhập đều trên 30 triệu đồng/tháng.
“Nhìn bên ngoài mọi người cứ nghĩ công việc của chúng tôi an nhàn, hưởng lương cao nhưng không phải vậy. Vì hay phải tiếp xúc khách hàng nên chúng tôi lúc nào cũng phải tạo cho mình phong cách chuyên nghiệp, bất kể làm việc ở văn phòng hay bên ngoài. Người khác có khi chỉ làm ngày 8 tiếng đồng hồ, nhưng công việc của chúng tôi có thể kéo dài từ 8h sáng đến 10h đêm, thậm chí là 1-2h sáng nếu như vị khách đang dùng dịch vụ ngân hàng do mình quản lý đi công tác nước ngoài bất chợt gọi điện thoại yêu cầu hỗ trợ...”chị Trang nói.
Cũng theo chị, làm trong ngân hàng nếu mọi người không thực sự nỗ lực, không thực sự yêu nghề thì khó có thể gắn bó lâu dài. Còn để thành công, để kiếm được tiền nhiều thì cũng phải chấp nhận làm việc quần quật ngày đêm, chứ chẳng có ông chủ nào trả lương cao cho nhân viên chỉ để ngồi chơi xơi nước.
“Ngân hàng nào cũng vậy, nếu bạn hoàn thành chỉ tiêu càng lớn thì càng được lương cao. Có nhiều người vẫn hỏi chúng tôi rằng làm sao để có thể đạt các chỉ tiêu khủng đến vậy, chúng tôi vẫn nói vui rằng nếu niềm đam mê tiền không “ăn vào máu” thì khó mà làm được.
Cô Nguyệt và chị Trang chỉ là hai điển hình trong nhiều câu chuyện về thành công trong lĩnh vực tài chính nhờ đam mê và muốn có được nhiều tiền. Tuy nhiên, những người thành công trong nghề đều có chung nhận định rằng, việc đam mê công việc và thích kiếm tiền khác với lòng tham. Không chỉ trong lĩnh vực tài chính đầy rẫy rủi ro mà bất cứ nghề nào, nếu để lòng tham lấn át thì sớm muộn gì cũng rước họa vào thân.