Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây đã có bài phản ánh về chất lượng của đội ngũ đại lý bảo hiểm/tư vấn bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Sau khi bài báo được đăng tải, có khá nhiều ý kiến nhận định, cần có một cuộc cách mạng trong đào tạo, huấn luyện để sàng lọc cũng như thực sự nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý/tư vấn bảo hiểm.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nên thay đổi và thống nhất tên gọi đại lý bảo hiểm cho chuyên nghiệp hơn là chuyên viên tư vấn tài chính (hiện nay, trên thị trường có một vài hãng bảo hiểm sử dụng chức danh tư vấn bảo hiểm) vì mua bảo hiểm là tham gia một kế hoạch tài chính lâu dài, chứ không phải những sản phẩm hữu hình thông thường khác. Tất nhiên, thay đổi tên gọi cho đúng với bản chất ngành nghề (nếu có) cũng chỉ là thay đổi hình thức và đáp ứng được một phần nhỏ chiến lược nâng chuẩn đại lý bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp hiện tại.
Hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm, ngoài việc tuyển dụng, đào tạo và thi để có chứng chỉ mã số theo quy định của Bộ Tài chính, một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang có những chương trình đào tạo nâng cao cho đội ngũ đại lý bảo hiểm nòng cốt.
Đáng chú ý, cần nâng cấp chất lượng đại lý bảo hiểm ngay từ khâu tuyển dụng. Ngoài những quy định tuyển dụng nghiêm ngặt với các chế tài hợp lý thì cũng đến lúc nên quy định bằng cấp tối thiểu để tuyển dụng đại lý bảo hiểm là bằng trung cấp hoặc cao đẳng.
Tất nhiên, đề xuất này nếu thực hiện ngay có thể không khả thi và vấp phải sự phản đối của các công ty bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm sẽ khó tuyển dụng đủ đại lý (quy định hiện tại, đại lý bảo hiểm chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, sau khi tuyển dụng sẽ được đào tạo, huấn luyện vài tháng để thi lấy chứng chỉ hành nghề). Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo có được một đội ngũ đại lý thực sự chuyên nghiệp, tâm huyết, yêu nghề và mong muốn gắn bó dài lâu thì những quy định có phần khắt khe như vậy cũng nên được tính đến. Những quy định khắt khe ngay từ đầu vào tuyển dụng đại lý có thể làm thay đổi nhận thức của khách hàng đối với ngành bảo hiểm.
hiện tại vẫn khó có thể xảy ra một cuộc “cách mạng” để nâng cao chất lượng đại lý toàn thị trường, nhưng ở nội tại từng công ty bảo hiểm thì cuộc cách mạng này vẫn đang âm thầm diễn ra.
“Yếu tố rất quan trọng không chỉ để có thêm khách hàng mới, mà còn là một trong những lý do để khách hàng tiếp tục đóng phí đến hết hiệu lực hợp đồng là đại lý tư vấn phải tư vấn đúng và đủ về nhu cầu bảo hiểm của từng khách hàng. Nhưng thời gian qua, không phải đại lý bảo hiểm nào cũng làm tốt vấn đề này. Rất nhiều đại lý bảo hiểm hiện nay có cái nhìn ngắn hạn về nghề”, một chuyên gia trong ngành nói.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ sau hơn hai thập kỷ phát triển đã dần hạn chế tình trạng tuyển dụng đại lý bảo hiểm bằng mọi cách và bằng mọi giá. Nhưng sau rất nhiều cố gắng của các cơ quan chức năng cũng như bản thân các công ty bảo hiểm nhân thọ thì bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa được nhiều đại lý bảo hiểm coi là một nghề có thể gắn bó lâu dài. Tất nhiên, cũng bởi đặc thù đây là nghề bán thời gian, không có lương cơ bản.
Một số công ty bảo hiểm nhân thọ dù rất muốn trả lương cơ bản cũng như bảo hiểm xã hội cho những đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp để giúp họ gắn bó dài lâu với nghề, với công ty, nhưng vì nhiều lý do cũng chưa nhiều công ty làm được điều này. Hơn nữa, để xác định đại lý bảo hiểm là một nghề chính thống toàn thời gian có lương cơ bản, có lẽ không chỉ các công ty bảo hiểm nhân thọ muốn là được, mà phải có sự sửa đổi các quy định liên quan từ phía các cơ quan chức năng.
Chính vì thế, hiện tại vẫn khó có thể xảy ra một cuộc “cách mạng” để nâng cao chất lượng đại lý toàn thị trường, nhưng ở nội tại từng công ty bảo hiểm thì cuộc cách mạng này vẫn đang âm thầm diễn ra. Những doanh nghiệp bảo hiểm mới vào thị trường hoặc đã hoạt động vài năm nhưng quy mô còn nhỏ sẽ thúc đẩy quá trình này quyết liệt và mạnh mẽ nhất.