Đó là mong mỏi thiết thực của ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 21 năm ngày truyền thống ngành cuối tuần trước.
Đây cũng là tâm nguyện của những người đã gắn bó với thị trường bảo hiểm nhân thọ nhiều năm qua khi đến nay, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ vẫn còn khiêm tốn. Đến cuối năm 2014, tổng phí bảo hiểm nhân thọ tính trên GDP mới chỉ đạt 1%.
Đến cuối năm 2014, tổng phí bảo hiểm nhân thọ tính trên GDP mới chỉ đạt 1%
Để đẩy mạnh thị trường phát triển, ông Khánh cho biết, sang năm 2015, Cục dự kiến sẽ có những thay đổi liên quan đến quản lý chi phí, quản trị DN và công tác phát triển sản phẩm. Theo ông Khánh, nếu làm được điều đó sẽ giúp giảm được khá lớn chi phí kinh doanh bảo hiểm như hiện nay, để mỗi năm khách hàng chỉ cần bỏ ra 1 – 2 triệu đồng là có thể mua bảo hiểm nhân thọ.
Trên thực tế, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí thấp hay sản phẩm bảo hiểm vi mô dành cho người nông dân cũng đã có. Tuy nhiên, việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm này còn hạn chế, chẳng hạn, với bảo hiểm vi mô, do có rủi ro cao, trong khi thu phí thấp, quy mô hợp đồng nhỏ, khả năng sinh lời không nhiều, nên chưa được doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) quan tâm nhiều.
Cụ thể, về quản lý chi phí, Cục dự kiến chỉ quản 2 loại chi phí (trích lập dự phòng và dự phòng bồi thường), các chi phí còn lại xem xét giao cho DNBH tự chủ động thay vì Cục trực tiếp quản lý cả 3 loại chi phí trên như hiện nay.
Về quản trị DN, hai thông tư dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2015 là Thông tư sửa đổi Thông tư số 124/2007/TT-BTC và Thông tư 125/2012/TT-BTC và Thông tư hướng dẫn đánh giá, xếp loại DNBH, sẽ giúp các DNBH tăng trưởng hiệu quả, giảm bớt được các thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường quản trị DN.
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết, sắp tới, Cục sẽ trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP một cách mạnh mẽ và thực chất hơn, theo hướng mang lại sự thuận lợi hơn trong hoạt động cho DNBH, đồng thời thúc đẩy sự hưởng ứng từ phía khách hàng.
Liên quan đến công tác phát triển sản phẩm, hiện quy tắc điều khoản bảo hiểm nhân thọ đã được phê chuẩn cứng. Tuy nhiên, theo ông Khánh, thời gian tới, quy tắc điều khoản sản phẩm sẽ chỉ đưa ra 1 số nguyên tắc về điều khoản sản phẩm cũng như phí, để người tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình nhất .
Về phía Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm, vị Cục trưởng cũng khẳng định: “Chúng tôi luôn quán triệt quan điểm lắng nghe, hợp tác và hỗ trợ DNBH. Cái gì có thể làm được sẽ hỗ trợ hết sức cho thị trường, cho DN”.
Chia sẻ với ĐTCK bên lề buổi lễ, các DNBH cũng cho rằng, thông điệp trên của vị đứng đầu ngành đã tiếp thêm động lực để các DNBH nỗ lực hơn trong công cuộc mang các sản phẩm bảo hiểm đến tay người dân, để đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP đạt 3 – 4%.
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thấp lâu nay vẫn là thách thức lớn nhất đối với bảo hiểm nhân thọ. Để cải thiện tình trạng này, bên cạnh điều kiện cần là cải thiện ý thức lẫn mức sống cho người dân, còn cần điều kiện đủ là nâng cao trách nhiệm của người trong ngành trong phát triển sản phẩm mới. Theo đó, DNBH cần tập trung phát triển sản phẩm thế mạnh, mở rộng các kênh phân phối mới, giúp bảo hiểm nhân thọ tiếp cận người có nhu cầu bảo hiểm dễ dàng hơn. Về chính sách phát triển sản phẩm mới cũng cần được hoàn thiện hơn nữa, bởi thực tế, theo thừa nhận của Cục Bảo hiểm & giám sát bảo hiểm, dù được rà soát thường xuyên nhưng chính sách vẫn chưa đón đầu được tình hình phát triển mới.
“Tạo lập kế hoạch tài chính ngay trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng. Càng sớm tiếp cận và tìm hiểu kiến thức về cách thức lập kế hoạch tài chính phù hợp, những người trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội thực hiện các kế hoạch hoàn hảo hơn cho tương lai”, ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam chia sẻ.
Kim Lan
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn