Tình trạng khách hàng nợ đọng phí bảo hiểm đã trở thành vấn nạn khá phổ biến tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Quy định mới tại Thông tư 194/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 1/2/2015 đã ràng buộc điều kiện khách hàng nợ phí phải có tài sản đảm bảo. Nhưng liệu khi phí bảo hiểm được “bảo đảm”, doanh nghiệp bảo hiểm đã hết lo?
Từng có 2 vụ kiện đình đám giữa người mua bảo hiểmvới doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), là vụ Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất kiện Bảo Minh hay vụ Công ty Nishu Nam Hà kiện Bảo hiểm Hàng không (VNI), mà tranh chấp xung quanh vấn đề khách hàng chậm đóng phí, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, nhà bảo hiểm từ chối bồi thường. Tất nhiên, cũng có trường hợp DNBH buộc phải “đầu hàng” khách hàng, bồi thường trái quy định của pháp luật khi bên mua bảo hiểm chưa nộp phí hoặc chưa nộp đủ phí, hoặc bên mua bảo hiểm nộp phí sau ngày xảy ra tổn thất.
Tình trạng “nợ xấu” phí bảo hiểm cũng được ghi nhận như một tồn đọng khá phổ biến tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, theo báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) năm 2013.
Trở lại với Thông tư 194/2014, quy định mới này vẫn cho phép khách hàng được nợ phí bảo hiểm, nhưng phải có điều kiện ràng buộc. Đó là bên mua bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, tất nhiên điều này phải được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, trường hợp khách hàng nợ phí và có tài sản bảo đảm, DN và bên mua bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
 Điều này đồng nghĩa với việc tài sản bảo đảm phải có giá trị ít nhất bằng số phí bảo hiểm còn phải nộp và phải có tài liệu chứng minh thuộc sở hữu của bên mua bảo hiểm và chưa được dùng để thế chấp, cầm cố hoặc đảm bảo thực hiện các trách nhiệm khác của bên mua bảo hiểm. Còn nếu nợ phí có bảo lãnh thanh toán thì tổ chức thực hiện bảo lãnh phải có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh và phải có hợp đồng về bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm. Với quy định mới này, DN bảo hiểm đỡ được nỗi lo mất phí vì nợ xấu.
Thông tư 194/2014 cũng quy định rõ về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, bao gồm cả thời gian gia hạn, ấn định rõ không được vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, thay vì để các bên tự cam kết trong hợp đồng bảo hiểm như trước đây. Thậm chí, với trường hợp đóng phí 1 lần, thời hạn bảo hiểm dưới 30 ngày thì thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cũng không vượt quá thời hạn bảo hiểm.
Cùng với việc quy định về tài sản đảm bảo, việc khống chế 30 ngày về thời hạn thanh toán phí được cho là sẽ hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN bảo hiểm, khi trước đó, nhiều DNBH cho “thoải mái” nợ phí để "giữ chân" khách hàng. Cùng với đó, sẽ hạn chế tranh chấp phát sinh khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khi DN bảo hiểm từ chối bồi thường do khách hàng vẫn còn dây dưa phí bảo hiểm.
Cần nhắc lại là, để đi đến quy định trên, trước khá nhiều đề xuất trái chiều của DNBH, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã thể hiện rõ quan điểm cương quyết không khuyến khích nợ phí không theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, bởi tập quán quốc tế là khách hàng phải trả phí trước khi được bảo vệ. 
NỢ PHÍ BẢO HIỂM : Được  " ĐẢM BẢO " nhưng vẫn chưa hết lo
Người mua bảo hiểm đã chuyển tiền cho môi giới, nhưng môi giới không chuyển ngay cho DNBH.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu giao dịch hợp đồng bảo hiểm chỉ có sự tham gia của hai bên khách hàng - doanh nghiệp bảo hiểm. Việc tham gia của môi giới bảo hiểm trong vai trò thu hộ phí bảo hiểm cho DNBH có thể vẫn làm phát sinh tranh chấp về nợ phí, nếu hoạt động của phía môi giới không được DNBH quản lý chặt. Chẳng hạn, người mua bảo hiểm đã chuyển tiền cho môi giới, nhưng môi giới không chuyển ngay cho DNBH. Trong trường hợp này, nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, DNBH sẽ giải quyết thế nào? Chưa kể, người mua bảo hiểm chưa nộp phí, nghĩa là chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp môi giới bao che, khẳng định họ đã chuyển phí bảo hiểm cho môi giới để được doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường.
”Tại các văn bản liên quan sắp tới, cũng cần bổ sung thêm quy định ngay sau khi nhận được phí bảo hiểm thu hộ, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm biết số tiền thu được, số chứng từ chứng minh người được bảo hiểm đã nộp phí, thời gian nộp phí. Nếu không thông báo, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm liên quan đến nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm của khách hàng khi khách hàng đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn”, đại diện một DN bảo hiểm đề xuất. 
 
Top