Ông Lý Nhơn, Phó tổng giám đốc Tài chính (bên phải) và ông Lê Thành Nam, chuyên gia định phí được chỉ định của Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam là hai trong số ít các chuyên gia định phí trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam
So với các ngành nghề khác, actuary thực sự không “dễ xơi”, bởi ngành này yêu cầu rất cao với các ứng viên. Không những phải học rất giỏi, đặc biệt môn Toán, mà người làm nghề cần phải có đam mê và quyết tâm rất lớn. Thời gian theo học hết các khóa và để đạt được hết các chứng chỉ trong ngành từ 7 đến 10 năm.
Lê Thành Nam, một trong hai người Việt Nam đầu tiên nhận được bằng F.S.A. (Fellow of the Society of Actuary) và trở thành thành viên của Hiệp hội Định phí Hoa Kỳ, hiệp hội định phí lớn nhất thế giới cho biết, anh đã phải mất tới 7 năm trời để theo đuổi hàng chục kỳ thi ngặt nghèo, với số lượng người vượt qua chỉ khoảng 30 - 40% trên một cuộc thi. Con đường trở thành một chuyên gia định phí đầy gian khó, nhưng họ lại là những người làm việc thầm lặng phía sau các nhân viên kinh doanh.
Trong một công ty bảo hiểm, actuary đảm trách hai nhiệm vụ chính là định giá sản phẩm bảo hiểm, tính toán khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm và tính toán dự phòng cho các hoạt động bảo hiểm. Sau khi tham gia thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khách hàng, actuary sẽ dựa trên những tính toán khoa học để định giá cho sản phẩm với yêu cầu đảm bảo được quyền lợi khách hàng trong trường hợp có sự cố xảy ra với người mua bảo hiểm cũng như đảm bảo được khả năng sinh lời của công ty bảo hiểm.
Actuary cũng chính là người chịu trách nhiệm chính cho những sản phẩm mình đã tạo ra. Họ cũng phải tính toán làm sao để công ty đủ khả năng thanh toán các hợp đồng bảo hiểm cũng như đảm bảo mức dự phòng cho các hoạt động khác. Đây là những công việc rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng đối với hoạt động của một công ty bảo hiểm, cả ở mảng nhân thọ và phi nhân thọ.
Lê Thành Nam hiện đang là Chuyên gia định phí được chỉ định (Appointed Actuary) của AIA Việt Nam chia sẻ, anh đã rơi nước mắt khi biết mình đã thi đậu môn cuối cùng và tạm kết thúc một chặng đường thi cử liên miên suốt 7 năm để lấy các chứng chỉ.
“Trong suốt quá trình thi cử đó, tôi gần như không có thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình. Đi làm về, ăn vội bữa tối là lại lao ngay vào học”, Nam cho biết.
Thực tế, không chỉ phải hy sinh cả tuổi xuân cho quá trình học hành thi cử, tinh thần trách nhiệm cao cũng là phẩm chất cần có của một người làm trong ngành định phí. Cùng với phẩm chất này thì tính tỉ mỉ, cần thận, kỹ năng đàm phán thương thuyết… cũng là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của một actuary.
Ở các nước phát triển, chuyên gia định phí được coi là một trong những nghề nghiệp tốt nhất - một trong những lựa chọn hướng nghiệp được các sinh viên ngành toán học đặc biệt quan tâm. Thực tế, các lĩnh vực mà chuyên gia định phí tham gia cũng rất rộng, từ bảo hiểm, kế hoạch hưu trí, quản lý rủi ro trong các định chế tài chính đến lĩnh vực đầu tư ngân hàng, mua bán sáp nhập các công ty tài chính hay bảo hiểm…
Tại Việt Nam các chuyên gia định phí mới chỉ mới phát huy khả năng trong lĩnh vực bảo hiểm, tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực hẹp này thị trường cũng không có đủ chuyên gia định phí. Người Việt có bằng chuyên gia định phí quốc tế hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và vị trí chuyên gia định phí tại các công ty bào hiểm hiện nay hầu hết đều do người nước ngoài hoặc Việt kiều đảm trách. Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay vẫn đang thiếu actuary trầm trọng, đặc biệt đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
“Muốn trở thành actuary, trước tiên, bạn phải có khả năng rất tốt về Toán học. Ngoài ra, sự nhạy bén nhất định về kinh doanh, thị trường cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể đưa ra những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường”, ông Lý Nhơn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của AIA Việt Nam cũng là một trong những chuyên gia định phí kỳ cựu cho biết.
Theo ông Nhơn, các bạn trẻ nếu có ý định theo nghề danh giá này, chắc chắn sẽ phải có sự đầu tư nghiêm túc về mặt thời gian cho việc học và nghiên cứu. Bởi sau khi lấy bằng đại học hay cử nhân chuyên ngành để chính thức trở thành một actuary thì còn phải được công nhận bởi một trong các hiệp hội actuary trên thế giới như Hiệp hội Actuary Mỹ (SOA), Canada (CIA), Úc (IAA), Anh (IOA)… bằng cách tham gia những kỳ thi do các hiệp hội này tổ chức. Một tố chất cần thiết để trở thành actuary là phải có niềm đam mê và khả năng kiên trì với nghề. Ngay Lê Thành Nam, trên hành trình thi cử, phấn đấu vất vả, đầy áp lực, cũng không ít lần, anh đã định bỏ cuộc.
Tham gia AIA từ những ngày đầu tiên, cho đến nay đã 15 năm, trải qua bao khó khăn trong công việc, thi cử cũng như những thăng trầm cùng công ty, anh Nam chia sẻ: “Nhưng rồi sự động viên của cấp trên đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong nghề. Anh Nhơn đã tiếp cho tôi động lực cũng như đưa ra những lời lời khuyên quý báu, giúp tôi vững bước đi tiếp trên con đường này.
Dù theo đuổi nghề định phí vô cùng gian khổ, nhưng nghề định phí sẽ là bước đệm vững chắc để đưa nhiều nhân sự đến những đỉnh vinh quang mới. Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã và đang có nhiều CEO từng là những chuyên gia định phí kỳ cựu, như bà Nguyễn Ngọc Trang, Tổng giám đốc VietinAviva (bà Trang cũng là một trong số ít nhân sự nữ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam theo đuổi đến cùng và đạt được nhiều thành công với nghề định phí); ông Huỳnh Thanh Phong, cựu CEO Prudential Việt Nam, ông Paul Nguyễn, CEO Manulife Việt Nam, ông Chung Bá Phương…
Chia sẻ về ngã rẽ dẫn đến nghề định phí Lê Thành Nam nói rằng, anh vốn xuất thân từ dân nghiên cứu Toán học, nhưng lại thích kinh doanh mà nghề định phí đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy Toán học và hiểu biết về kinh doanh và thị trường.
“Tôi thích sự kết hợp đó và cảm thấy khả năng của mình rất phù hợp với yêu cầu của nghề này. Đó cũng là một lý do quan trọng để tôi chọn trở thành người định phí”, Nam nói.
Ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ (BHNT) chỉ mới chập chững ở những bước đầu phát triển, người dân chưa xem là nhu cầu cần thiết, do đó vai trò của các chuyên gia định phí càng quan trọng. Không những thực hiện những công việc tính toán thông thường trong việc định phí, các chuyên gia định phí còn phải hiễu rõ những nhu cầu của người dân qua từng giai đoạn của cuộc đời, từ đó phác thảo những sản phẩm BHNT phù hợp.
“Tất cả các chuyên gia định phí ở Việt Nam, là người Việt hay Việt kiều, đều có một mong muốn là làm sao đem BHNT gần hơn và nhiều hơn cho người dân Việt Nam, bởi hơn ai hết họ hiểu BHNT sẽ giúp bảo vệ và tích lũy tài chính như thế nào, đóng góp như thế nào trong việc nâng cao mức an sinh xã hội cho người dân. Hiểu được mục đích cuối cùng này công việc của mình sẽ tạo cho bạn niềm đam mê và nó sẽ giúp bạn vượt qua tất cả khó khăn trong công việc định phí này”, Nam chia sẻ.
Với tốc độ phát triển như hiện nay của ngành bảo hiểm Việt Nam các chuyên gia cho rằng tương lai của nghề actuary là vô cùng rộng lớn.
Thực tế, đến thời điểm này, cung nhân sự actuary vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, việc phải áp dụng quy định mới về chuẩn actuary càng khiến vấn đề thiếu hụt actuary của khối này thêm trầm trọng. Một giải pháp ngắn hạn cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được đưa ra là tìm kiếm tuyển dụng actuary đủ tiêu chuẩn từ thị trường Đông Nam Á sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2016, với sự dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng…
Tuy nhiên, cũng không dễ để thực hiện giải pháp dù mang tính ngắn hạn này. Đứng trước nhu cầu thiếu hụt trầm trọng actuary hiện tại một số trường đại học trong nước liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo sinh viên chuyên ngành tài chính - bảo hiểm. Cơ hội mới đang mở ra cho những người yêu thích ngành định phí.
“Tuy nhiên, con đường đến với nghề định phí như một cuộc chạy marathon, nếu không quyết tâm và kiên trì, bạn sẽ không đủ sức bền để đi hết hành trình”, ông Lý Nhơn đúc kết.