(ĐTCK) Qua nhiều buổi tập huấn các quy định mới về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC, các DNBH đã sẵn sàng triển khai, song để người dân hiểu và nâng cao ý thức về bảo hiểm xe là vấn đề không đơn giản.
Hiện tại, số lượng xe ôtô tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới là khả quan, nhưng lượng xe máy tham gia vẫn còn rất thấp

Hiện tại, số lượng xe ôtô tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới là khả quan, nhưng lượng xe máy tham gia vẫn còn rất thấp

“Lăn tăn”, nhưng vẫn sẵn sàng

Thời gian qua, trên khắp cả nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - AVI) đã liên tục tố chức các hội nghị tập huấn về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo Thông tư 22.

Dù còn vướng mắc và chưa thực sự thấu hiểu hết các điều khoản mới, song một số DNBH phi nhân thọ đã sẵn sàng để thực hiện khi ngày Thông tư 22 chính thức có hiệu lực đã gần kề (ngày 1/4/2016).

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi việc áp dụng quy định mới sẽ giúp các hãng bảo hiểm gặp thuận lợi hơn. Chẳng hạn, với bảng tỷ lệ thương tật chỉ có 221 trường hợp như trước đây đã khiến DNBH gặp khó trong chi trả bồi thường chính xác, vì có những thương tật không có trong bảng bồi thường, nên DNBH phải vận dụng các trường hợp tương tự, gây khó khăn khi áp dụng. Hiện nay, bảng tỷ lệ mới được quy định chi tiết hơn (tăng lên thành 827 trường hợp thương tật) với cách phân loại đầy đủ, khoa học hơn và thống nhất một mức dao động là 5% giữa tỷ lệ tối thiểu và tối đa của các loại thương tật.

Dẫu sẵn sàng, song vẫn còn đó một số băn khoăn về quy định mới. Ví dụ, khi chủ xe đã mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, nhưng sau đó bán xe và cơ quan công an thu hồi biển số xe, thì mức phí bảo hiểm được tính thế nào? Đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, theo quy định tại Thông tư 22, xe cơ giới bị thu hồi biển số theo quy định, thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, DNBH phải hoàn lại cho chủ xe cơ giới 70% phần phí bảo hiểm của thời gian hủy bỏ. 

Ví dụ khác, một chủ xe có được mua bảo hiểm từ nhiều hãng cùng một lúc, và nếu không may xảy ra tai nạn, có được bồi thường đồng thời từ nhiều hãng hay không? Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho hay, chủ xe không được đồng thời tham gia 2 hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới cho cùng một xe. Và đương nhiên, nếu xảy ra tai nạn, chủ xe sẽ chỉ được bồi thường từ một hãng bảo hiểm.

Ngoài ra, DNBH còn băn khoăn về việc chưa có chế tài nếu chủ xe chậm thông báo thời điểm, thời gian tai nạn. Đại diện Cục quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến trên. Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng đề nghị các DNBH tiếp tục gửi tới Cục những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 22 (nếu có) để có hướng dẫn, giải đáp kịp thời, nhằm triển khai tốt Thông tư.

Ý thức sử dụng bảo hiểm cần nâng cao

Không phủ nhận vẫn còn những vướng mắc, song tại Thông tư 22, các quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, mức bồi thường cũng được nâng lên, trong khi phí bảo hiểm chỉ tăng rất thấp. Các buổi tập huấn đã giúp giải đáp băn khoăn, gỡ vướng cho các bên liên quan như DNBH, các công ty vận tải…

Một trong những đối tượng áp dụng và chịu ảnh hưởng lớn từ những quy định mới tại Thông tư 22 là người mua bảo hiểm cá nhân… cũng rất cần được phổ cập rộng rãi. 

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho hay, các DNBH cần đưa ra cách thức phối hợp vận động, tuyên truyền để người dân tham gia bảo hiểm đông đảo hơn. Cục hiện đang phối hợp với AVI và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ tăng cường kiểm soát việc tham gia bảo hiểm bắt buộc, cũng như tăng cường tuyên truyền loại bảo hiểm bắt buộc này. Song trên thực tế, số lượng xe máy tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc hiện rất ít, chỉ chiếm khoảng 40%, dù cho số lượng xe ô tô tham gia đã đạt tỷ lệ khả quan (90%). 

Bên cạnh đó, những quy định mới gắn liền với quyền lợi của người mua bảo hiểm là những chủ xe cá nhân như tăng mức phí, tăng mức trách nhiệm, các ảnh hưởng về bồi thường do chậm nộp phí mà không xuất phát từ lỗi của chủ xe... nếu không hiểu thấu thì sẽ không dễ thuyết phục họ mua, dù đây là sản phẩm bắt buộc với mức phí không cao. 

Thời gian qua, gần 80.000 vụ tai nạn giao thông đã được xử lý bồi thường, với tổng số tiền bồi thường hơn 3.300 tỷ đồng (gần 1.000 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại về người dành cho hơn 7.700 người thiệt mạng và gần 26.000 người bị thương; trên 2.300 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại về tài sản), đó là những con số mang tính nhân văn cao. 

Để ý nghĩa trên được lan tỏa sâu rộng hơn, từ đó nâng cao ý thức về sử dụng bảo hiểm, thì luôn cần “bàn tay” đủ mạnh để có thể phổ cập sâu rộng đến từng người dân.    


 
Top