Dự phòng là mối quan tâm của nhiều người chuẩn bị về hưu
Cất tiền mặt trong nhà là cách bà Mai (Hoàng Cầu, Hà Nội) chọn để không rơi vào tình trạng bất an, thiếu hụt tài chính khi về già. Bà tính toán, khoản lương hưu ít ỏi chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí hàng tháng, chứ không đủ để chăm sóc y tế và phòng ngừa bệnh tật. Vì vậy, kế hoạch tiết kiệm được bà Mai chuẩn bị từ sớm bằng cách trích 20-30% thu nhập mỗi tháng.
Theo số liệu từ Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình, có đến 34% người cao tuổi không đủ tiền trang trải chi tiêu hàng ngày. Số liệu năm 2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hơn 70% người trên 60 tuổi phải tự lao động kiếm sống hoặc phụ thuộc con cháu.
Nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chưa hẳn là một hình thức dự phòng tốt, bởi giá trị tiền mặt bị lạm phát theo thời gian.
Ngoài ra, tiết kiệm tiền mặt một cách tự phát thường không tạo động lực để thực hiện lâu dài. Không có sự giám sát, người già dễ lâm vào tình trạng tháng này tiết kiệm nhiều, tháng sau tiết kiệm ít, hoặc khi bí bách thì mang tiền tiết kiệm ra tiêu dùng.
Cũng chọn hình thức tiết kiệm, song ông Thành (Hà Đông, Hà Nội) lại chọn ngân hàng làm nơi gửi gắm nhằm giảm bớt tác động của lạm phát, hoặc mua vàng đầu tư sinh lời.
Trong khi đó, ông Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn mua bảo hiểm nhân thọ làm kênh vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ bản thân. Gói bảo hiểm ông Kiên mua, có thể bắt đầu từ sớm và có tính kỷ luật cao, giúp tiết kiệm đều đặn và dễ dàng đạt được mục tiêu tài chính. Bảo hiểm nhân thọ còn hỗ trợ tài chính nếu chẳng may gặp rủi ro như tai nạn, bệnh tật…
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính phân tích, ưu điểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là có tính bảo vệ trước các rủi ro và tính tiết kiệm dự phòng. Nếu không may xảy ra rủi ro thì đó là bảo hiểm; còn nếu không có rủi ro thì đó là khoản tiền tiết kiệm. Yếu tố bảo vệ chính là điểm khác biệt so với các hình thức tiết kiệm khác.