Với sự linh hoạt cao, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư hứa hẹn sẽ “hút khách” trong thời gian tới Sản phẩm bảo hiểm muốn tồn tại và phát triển thì phải phù hợp với nhu cầu của người tham gia bảo hiểm, hoặc người được bảo hiểm và luôn đảm bảo 02 yêu cầu: một là, bảo vệ người tham gia bảo hiểm, hoặc người được bảo hiểm trước các rủi ro, sự cố được bảo hiểm; hai là, có tính cạnh tranh với các sản phẩm tài chính khác như gửi tiết kiệm, đầu tư trên thị trường chứng khoán…
Bài viết này tập trung nói về tính cạnh tranh của bảo hiểm nhân thọ so với với thị trường vốn.
Ông Phùng Đắc Lộc, Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp” Dai-ichi Life Việt Nam
Thị trường vốn: không dễ đầu tư
Thị trường vốn bao gồm các sản phẩm: trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của doanh nghiệp… Mọi người đầu tư vào thị trường vốn với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao hơn mức lãi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này không hề dễ dàng, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn, muốn mua trái phiếu, cổ phiếu phải có tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc công ty chứng khoán tối thiểu bằng số tiền đặt cọc và đấu giá để mua. Ngoài ra, việc lựa chọn danh mục đầu tư cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ: mua trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp đang có dấu hiệu làm ăn sa sút…
Đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì sao?
Người có tiền nhàn rỗi, dù ít hay nhiều, vẫn có thể đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ, với 2 loại sản phẩm chính.
Thứ nhất, bảo hiểm liên kết chung. Đây là loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bao gồm bảo hiểm rủi ro (với một số tiền nhất định riêng biệt) và đầu tư. Trong đó, phần đầu tư là doanh nghiệp bảo hiểm cùng với khách hàng sử dụng phần tiền của khách hàng dành cho đầu tư để đưa vào các lĩnh vực đầu tư tài chính nhằm mục đích sinh lời.
Vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm lúc này là người chủ động đầu tư và cam kết trả lãi đầu tư cho người tham gia bảo hiểm theo lãi suất được công bố định kỳ (hàng tháng hoặc quý). Người tham gia bảo hiểm giữ vai trò là người ủy thác cho doanh nghiệp bảo hiểm làm nhiệm vụ đầu tư, không cần quan tâm đến việc doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào đâu, lợi nhuận thế nào, mà chỉ quan tâm đến lãi được chia theo công bố. Nếu lãi suất cao, hấp dẫn, người tham gia bảo hiểm có thể tăng số phí bảo hiểm đóng vào để tăng số tiền đầu tư nhằm thu lãi nhiều hơn. Ngược lại, nếu lãi suất giảm, người tham gia bảo hiểm có thể thu hẹp quy mô đầu tư bằng cách rút bớt số phí bảo hiểm đã đóng.
Với sự công khai, minh bạch, cũng như tính linh hoạt cao, sản phẩm bảo hiểm này hiện đã thu hút nhiều người tham gia.
Thứ hai, bảo hiểm liên kết đơn vị. Đây là loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, trong đó có bảo hiểm cho các rủi ro ghi trong hợp đồng bảo hiểm được tách thành phần riêng biệt, còn lại là phần đầu tư. Doanh nghiệp bảo hiểm hình thành quỹ đầu tư, bao gồm ít nhất là 3 quỹ: mạo hiểm, bình ổn, an toàn (có thể thêm 2 quỹ tương đối mạo hiểm và tương đối an toàn). Mỗi loại quỹ trên, doanh nghiệp bảo hiểm công bố tối thiểu 20 danh mục được lựa chọn để đầu tư và công bố giá chứng chỉ quỹ của từng loại quỹ (giá đơn vị quỹ). Nhà đầu tư dùng số tiền của mình phân bổ đầu tư vào từng quỹ nói trên (một hay nhiều quỹ), số tiền đầu tư vào mỗi quỹ có thể khác nhau. Hàng tuần, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố giá chứng chỉ quỹ trên phương tiện thông tin đại chúng.
Người tham gia bảo hiểm căn cứ vào giá chứng chỉ quỹ để thay đổi danh mục đầu tư của mình bằng các cách: (1) bán một phần hoặc toàn bộ (bán tháo) chứng chỉ quỹ kém hiệu quả (đang đi xuống) cho doanh nghiệp bảo hiểm với giá đã công bố; (2) mua thêm chứng chỉ quỹ khác khi giá chứng chỉ quỹ này đang có xu hướng tăng, hoặc đã chạm/sắp chạm đáy để tăng tiếp; (3) bán toàn bộ hoặc một phần chứng chỉ quỹ đang có giá cao cho doanh nghiệp bảo hiểm để chốt lời.
Doanh nghiệp bảo hiểm đóng vai trò như công ty quản lý quỹ
Như vậy, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm đóng vai trò như công ty quản lý quỹ đầu tư (đưa ra danh mục đầu tư và giá chứng chỉ đơn vị của từng quỹ), người tham gia bảo hiểm có quyền chủ động quyết định trong đầu tư vào quỹ nào, với số tiền là bao nhiêu (số lượng đơn vị chứng chỉ quỹ) và đương nhiên là “lời ăn” (giá tăng thêm), lỗ chịu (giá giảm xuống)”.
Doanh nghiệp bảo hiểm cũng có rủi ro khi đưa ra những danh mục đầu tư chưa xác đáng, khiến kết quả đầu tư thấp, giá chứng chỉ quỹ giảm, người tham gia bảo hiểm buộc phải bán, nếu không có người mua thì doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải mua lại.
Ngoài các sản phẩm trên, khách hàng còn có thể chọn sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện (theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính) bao gồm:
- Phần bảo hiểm rủi ro: chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm, hoặc người được bảo hiểm trong các rủi ro ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất sức lao động, tử vong, tiền tuất (nuôi dưỡng thân nhân), trong đó người tham gia bảo hiểm lựa chọn rủi ro và số tiền bảo hiểm.
- Phần đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện: Người tham gia bảo hiểm lựa chọn số tiền đóng góp hàng tháng, quý, năm và có thể điều chỉnh tăng thêm, hay giảm bớt trong kỳ hạn của hợp đồng bảo hiểm. Thời gian đóng góp tùy chọn, chậm nhất là trước tháng đến tuổi nghỉ hưu. Thời điểm bắt đầu chi trả tiền hưu: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Thời gian chi trả tiền hưu tùy người tham gia bảo hiểm lựa chọn: chi trả 1 lần ngay khi nghỉ hưu; chi trả hàng tháng, quý, năm trong một số năm nhất định (ít nhất là 15 năm sau khi nghỉ hưu), hoặc chi trả suốt đời (đến khi tử vong).
Nếu người tham gia bảo hiểm vì lý do nào đó không đóng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm tạm dừng, nhưng số tiền trên tài khoản của họ sẽ được chi trả khi họ bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bị tử vong, hoặc đạt độ tuổi 60 với nam và 55 với nữ.
Với cách đầu tư linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người tham gia bảo hiểm muốn đầu tư mà không phải phân tích, đánh giá, lựa chọn thông tin về các chỉ số chứng khoán, tình hình sản xuất kinh doanh của những đơn vị được lựa chọn đầu tư, các sản phẩm bảo hiểm liên kết hứa hẹn sẽ ngày càng thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm hơn. Mặc dù vậy, với tính rủi ro lớn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị, nếu có thì cũng rất thận trọng.