Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 10/2016 được tổ chức mới đây, nhiều nội dung mới đã được BHXH Việt Nam thông tin tới các cơ quan truyền thông.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước, còn chây ì trong việc đóng bảo hiểm cho người lao độngNhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước, còn chây ì trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động

Bên cạnh báo cáo về kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016, lãnh đạo BHXH Việt Nam, cũng như đại diện các đơn vị trực thuộc đã giải đáp đầy đủ và kịp thời nhiều vấn đề liên quan đến BHXH, đặc biệt là tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong bối cảnh nợ bảo hiểm vẫn rất phổ biến, tồn tại ở hầu hết các địa phương trên cả nước như hiện nay.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2016, con số nợ BHXH đạt 13.121 tỷ đồng, chiếm 6% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỷ đồng, với 3.351 tỷ đồng là số nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng (đây không chỉ là khoản nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà bao gồm cả nợ của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp); nợ BHYT là 3.653 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ tiền đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng là 2.212 tỷ đồng); nợ BHTN là 481 tỷ đồng (ngân sách địa phương nợ tiền hỗ trợ Quỹ BHTN trước năm 2015 là 27 tỷ đồng).

Theo BHXH Việt Nam, không chỉ những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, mà nhiều doanh nghiệp có lãi cũng chây ì việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Thậm chí, có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động (trừ vào tiền lương), nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác. 

Việc cố tình chậm trễ, trốn đóng bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN, mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động (trừ vào tiền lương), nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác.

Lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, BHXH Việt Nam cho biết, chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động còn yếu kém, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

“Các chủ sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động, trong khi người lao động còn e ngại việc đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm. Hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHXH cho người lao động. Ngoài ra, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quản lý nhà nước về BHXH, BHYT trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp còn hạn chế và không thường xuyên. Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa làm cho người lao động thấy được ý nghĩa nhân văn của  chính sách BHXH, BHYT, từ đó nhận ra quyền và trách nhiệm phải tham gia”, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết.

Để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng nợ đọng bảo hiểm, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp giám sát liên ngành giữa 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam liên quan đến thực hiện pháp luật về BHXH tại các địa phương.

Thứ ba, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thuế, ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động; kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về BHXH.

Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH, đổi mới phong cách phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, cá nhân tiếp cận với BHXH, đồng thời giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục BHXH.

Thứ năm, cơ quan BHXH tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BHXH của các đơn vị trên địa bàn để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời. Đồng thời, công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện người lao động.

 
Top