Bảo hiểm nhân thọ thường có thời gian đóng phí dài, có thể là 10 năm, 15 hay 20 năm...
Vậy để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thì người tham gia cần tham gia với mức phí phù hợp với mức thu nhập (khoảng 10%) và duy trì ổn định phí đóng bảo hiểm đến hết thời hạn. Mặc dù kỳ hạn đóng phí bảo hiểm nhân thọ khá linh hoạt, tùy theo điều kiện mà người tham gia có thể chọn cách đóng phí hàng kỳ theo tháng, quý, nửa năm hay 1 năm... Và có thêm thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm là 60 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí. Nhưng cuộc sống sẽ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như chúng ta nghĩ, ai cũng có lúc gặp khó khăn về tài chính. Nhiều người có thu nhập ổn định, đổi lại, cũng rất nhiều người thu nhập lại bấp bênh lúc cao lúc thấp, có thể là theo mùa, theo vụ ... Vậy làm thế nào để duy trì hợp đồng bảo hiểm khi thu nhập bấp bênh? Với những người thu nhập không ổn định thì nên đóng tiền bảo hiểm nữa năm hoặc 1 năm theo đúng mùa vụ thu hoạch. Nhưng nếu vẫn khó khăn quá không đóng được phí bảo hiểm như theo cam kết trong hợp đồng thì có thể lựa chọn các giải pháp sau:
1. Tạm ứng từ Giá trị hoàn lại
Khi đến hạn đóng phí mà người tham gia bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, để duy trì được hợp đồng và bảo vệ quyền lợi bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm có thể đề nghị bằng văn bản với Công ty yêu cầu được tạm ứng từ giá trị hoàn lại với số tiền tạm ứng không quá 85% giá trị hoàn lại tại thời điểm tạm ứng tùy từng công ty bảo hiểm (khi Hợp đồng bảo hiểm đã có Giá trị hoàn lại).
Bên mua bảo hiểm có thể hoàn trả số tiền tạm ứng này vào bất cứ lúc nào, Công ty sẽ trừ số tiền tạm ứng từ bất kỳ khoản tiền nào mà Công ty phải trả theo hợp đồng bảo hiểm này. Và tiền lãi tạm ứng từ giá trị hoàn lại sẽ được tích lũy theo tỷ lệ và cách thức do Công ty bảo hiểm quy định phù hợp với các quy định có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi đến hạn thanh toán các khoản tạm ứng từ giá trị hoàn lại, Bên mua bảo hiểm phải trả cho Công ty khoản tạm ứng gốc cùng với lãi tích lũy của khoản tạm ứng đó. Lãi đến hạn nếu không được thanh toán sẽ được cộng vào khoản tạm ứng gốc và tích lũy lãi theo cùng tỷ lệ và cách thức. Đặc biệt chú ý, khi tổng các khoản tạm ứng từ giá trị hoàn lại và tạm ứng đóng phí bảo hiểm tự động cùng với lãi tích lũy bằng hoặc vượt quá giá trị hoàn lại tại thời điểm đó thì hợp đồng bị mất hiệu lực.
2. Xin giảm mệnh giá bảo hiểm
Sau khi Hợp đồng có hiệu lực 01 năm và trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu giảm Mệnh giá Sản phẩm. Theo đó, số phí bảo hiểm giảm và các điều kiện khác có liên quan của hợp đồng bảo hiểm sẽ được điều chỉnh tương đương với mệnh gia bảo hiểm mới. Ngoài ra, tùy từng sản phẩm của từng công ty, cùng với việc giảm phí bảo hiểm thì số phí bảo hiểm đã đóng của những kỳ trước đã dư ra một lượng nhất định để đóng phí cho những kỳ tiếp theo đang khó khăn và hợp đồng vẫn được duy trì, quyền lợi bảo hiểm vẫn được đảm bảo.
3. Tạm ngưng đóng phí
Tạm ngừng đóng phí là trường hợp khách hàng chủ động yêu cầu không đóng phí bảo hiểm định kỳ theo đúng ngày đến hạn đóng phí. Khách hàng thông báo với công ty bảo hiểm tạm ngừng đóng phí cho đến khi có khả năng tài chính sẽ tái tục lại hợp đồng bảo hiểm. theo đó khách hàng sẽ có 2 lựa chọn: một là đóng đầy đủ phí bảo hiểm còn thiếu, đóng bổ sung phí bảo hiểm còn thiếu và thời hạn hợp đồng không đổi. Hai là khởi động lại hợp đồng bảo hiểm, chỉ đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo. Hợp đồng bảo hiểm sẽ buộc phải thoả thuận lại về thời hạn bảo hiểm và mức phí bảo hiểm đóng mới.