Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người nghỉ hưu trong độ tuổi 35-50 chiếm trên 30%. Tuổi nghỉ hưu sớm và thời gian hưởng lương hưu dài là một trong những nguyên nhân khiến quỹ bảo hiểm đứng trước nguy cơ cạn kiệt.


Quỹ bảo hiểm xã hội 'sắp cạn kiệt'
Báo cáo tại hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,2 (so với bình quân quy định cho cả nam và nữ là 57,5); thời gian tham gia BHXH bình quân 31,26 năm.

Trong đó, đa số nghỉ hưu trong độ tuổi từ 41 đến 60, chỉ 1,4% nghỉ khi trên 60. Ngoài ra, có những người nghỉ hưu từ rất sớm với 0,1% (tương đương 10.000 người) nghỉ khi mới 35-40 tuổi.

Dự báo với mức đóng góp và mức hưởng chế độ hiện nay và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023 số thu bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất thì ngoài số thu trong năm phải sử dụng thêm số kết dư mới đảm bảo đủ chi. Đến năm 2037, số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.

Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đã đưa ra một dự báo tương tự khi cho rằng, Quỹ BHXH Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034, nếu không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.
 
Top