Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và thiết bị di động nói riêng, việc khách hàng tìm hiểu, nghiên cứu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, thậm chí là mua sản phẩm ngay trên mạng không còn là điều xa vời. 
Bảo hiểm nhân thọ “bay” cùng công nghệ số

Có thể nói, “kỷ nguyên kỹ thuật số di động” đang lan tỏa ngày một nhanh hơn tới ngành bảo hiểm châu Á.

“Dịch vụ bảo hiểm truyền thống tại châu Á trước đây chưa mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm thật sự tốt, vì thế, đây chính là cơ hội để đơn giản hóa quy trình và cung cấp các giải pháp bảo hiểm, sức khỏe, quản lý tài sản toàn diện, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về điều kiện và các điểm giao dịch ưa thích của họ”, ông Steve Roder, Phó chủ tịch điều hành cấp cao kiêm Giám đốc Tài chính-Tập đoàn Manulife chia sẻ.

"Hiện số lượng khách hàng sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới đang tăng nhanh, vì vậy, sự cần thiết của công nghệ kỹ thuật số là điều hiển nhiên" - Steve Roder. 

Được biết, ngoài việc cung cấp các giải pháp tài chính và kênh phân phối đa dạng, Manulife cũng đang tập trung vào công nghệ kỹ thuật số để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược của Tập đoàn này tại Việt Nam và khu vực châu Á. 

Thực tế, tại Việt Nam, Manulife đã nắm bắt các xu hướng kỹ thuật số thông qua việc giới thiệu trang thông tin trực tuyến dành cho bên mua bảo hiểm – ManuConnect vào đầu năm 2016, cho phép khách hàng tra cứu toàn bộ thông tin và lịch sử các giao dịch thay đổi hợp đồng với Công ty. Ngoài ra, hãng bảo hiểm này còn cho ra mắt Manu-IPRO, một công cụ hỗ trợ kinh doanh điện tử dành cho đội ngũ đại lý và ngân hàng đối tác của Manulife Việt Nam. Manu-iPro cung cấp cho khách hàng những thông tin về sản phẩm, cũng như giúp khách hàng hiểu cặn kẽ quyền lợi, mức phí và những hạng mục bảo hiểm phù hợp nhanh chóng và tiện lợi bằng các bảng minh họa chi tiết… 

“Hiện số lượng khách hàng sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới đang tăng nhanh, vì vậy, sự cần thiết của công nghệ kỹ thuật số là điều hiển nhiên”, ông Steve Roder nhìn nhận.

Phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời mở rộng hệ thống văn phòng chi nhánh, trung tâm phục vụ khách hàng và tăng cường mạng lưới các đối tác ngân hàng sẽ là những mục tiêu trọng tâm của của các hãng bảo hiểm nhân thọ trong năm 2016. Và tất nhiên, tập trung đầu tư vào kỹ thuật số để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

“Chúng tôi cũng sẽ tận dụng ưu thế về công nghệ của Tập đoàn Generali để phát triển thương hiệu, cải tiến quy trình tư vấn sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi. ‘Đơn giản hơn, hiệu quả hơn, lấy khách hàng làm trọng tâm’ chính là tiêu chí hoạt động của Generali Việt Nam”, bà Tina Nguyễn, tân Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ với ĐTCK. Được biết, Tập đoàn Generali là công ty duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm trên toàn cầu được Tạp chí Công nghệ MIT, tạp chí có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, xếp hạng trong nhóm 50 công ty thông minh nhất thế giới năm 2015.

Trong khi đó, cùng với việc đầu tư vào các văn phòng giao dịch và văn phòng tổng đại lý kiểu mới nhằm tạo ra góc nhìn khác biệt trong ngành bảo hiểm, AIA Việt Nam cũng rất chú trọng trong việc ứng dụng công nghệ mới. 

Chẳng hạn, việc triển khai phần mềm ứng dụng iPoS (interactive Point of Sale) trên máy tính bảng iPad trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, hay việc ứng dụng i-Service nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng… Được biết, Tập đoàn AIA cũng đang triển khai rất thành công những ứng dụng này tại các thị trường khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và dự kiến sẽ sớm có phiên bản vận hành trên hệ điều hành Android.

Theo các chuyên gia trong ngành, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, đối với mô hình phân phối ở thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, thì kênh đại lý vẫn là kênh chủ lực, sau đó là các kênh phân phối khác như bancassurance… sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể. Tiến xa hơn, mô hình kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết tại các thị trường khác, sẽ chịu ảnh hưởng của “kỷ nguyên kỹ thuật số di động” (mobile digital technologies).

 “Về lâu dài, doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của khách hàng về cả sản phẩm và dịch vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số di động sẽ là người chiến thắng”, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhìn nhận.                                    

 
Top