Thanh, kiểm tra 7 Doanh nghiệp bảo hiểm
Tại cuộc họp báo chuyên đề về kết quả tình hình triển khai thực hiện Chiến lược 2011 - 2015 và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2016 sẽ thanh kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Theo đó, 7 DNBH bao gồm: Bảo hiểm Liberty, Bảo hiểm Bảo Long, Prudential, Dai-ichi, Cathay, MIC, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội.
Dù không chia sẻ chi tiết nội dung thanh kiểm tra đối với từng DN, nhưng trước đó Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm từng cho biết, năm 2016, ngoài việc tiếp tục tăng cường đội ngũ thanh kiểm tra cả về số lượng lẫn chất lượng thì sẽ tập trung kiểm tra các vấn đề trọng yếu, nổi cộm, từ đó kịp thời chấn chỉnh.
Đáng chú ý, cơ quan này sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đánh giá DNBH theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để báo cáo bộ chủ quản là Bộ Tài chính có phương án xử lý. Cục cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp, đảm bảo giám sát toàn diện đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại cơ sở nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Nhằm góp phần tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển tốt hơn nữa, theo các thành viên thị trường, cơ quan thanh tra cần sớm công bố các kết luận thanh tra kịp thời để cảnh báo, răn đe đối tượng vi phạm, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh kiểm tra.
Vẫn mắc sai phạm cũ
Trước đó, trong năm 2015, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã kiểm tra chuyên đề 13 DN, thanh tra chuyên đề 3 DN và thanh tra toàn diện 3 DN thuộc cả 3 khối bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm. Đồng thời, cũng thanh tra chuyên đề, toàn diện 6 DNBH, trong đó có 2 DNBH nhân thọ, 3 DNBH phi nhân thọ, 1 DN môi giới bảo hiểm.
Qua công tác thanh tra, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết đã phát hiện, chấn chỉnh và ngăn chặn các vi phạm kịp thời, đồng thời nhận thấy những bất cập trong cơ chế chính sách, tiến hành kiến nghị sửa đổi bổ sung tới các cơ quan chức năng, giúp môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện. Việc thanh, kiểm tra đã thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DNBH, giúp bảo vệ và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, duy trì thị trường ổn định, an toàn, hiệu quả.
Một số doanh nghiệp vẫn đầu tư vượt quá tỷ lệ theo quy định; đối chiếu, theo dõi công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ, kịp thời; trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi chưa theo đúng quy định.
Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, các DNBH vẫn mắc phải những vi phạm cũ. Cụ thể, đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, DN chưa thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí; mức trách nhiệm giữ lại vượt quá 5% vốn chủ sở hữu; đại lý bảo hiểm dù đã hoạt động nhưng không có chứng chỉ đào tạo đại lý; trích lập dự phòng chưa đúng quy định; bồi thường không đúng quy tắc, điều khoản; hạch toán doanh thu - chi phí chưa đúng quy định.
Ngoài ra, một số DNBH vẫn đầu tư vượt quá tỷ lệ theo quy định; đối chiếu, theo dõi công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ, kịp thời; trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi chưa theo đúng quy định.
Với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vẫn còn một số trường hợp giải quyết quyền lợi bảo hiểm không thống nhất, chi trả quyền lợi bảo hiểm không theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, các vi phạm này thuộc trách nhiệm của DNBH nên DNBH cần nghiêm túc thực hiện đánh giá, rà soát để đưa ra các biện pháp khắc phục triệt để, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Mặc dù có sự đổi mới, tăng cường cả về nội dung lẫn số lượng các cuộc thanh kiểm tra và nâng cao hiệu quả thanh tra nhưng năm qua, công tác này vẫn chưa tương xứng với quy mô và mức độ phức tạp ngày càng tăng của thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường bảo hiểm có 61 DNBH, với gần 2.000 địa điểm kinh doanh, văn phòng giao dịch, chi nhánh và các công ty thành viên trên cả nước. Trong khi đó, công tác kiểm tra mới chỉ tập trung ở trụ sở chính và lác đác ở các đơn vị thành viên.
Với công tác quản lý và giám sát từ xa, cơ quan này cho biết đã chủ động nắm bắt tình hình DN thông qua hệ thống cảnh báo cập nhật, qua phản ánh của DN, qua các khiếu nại của tổ chức cá nhân để điều chỉnh phù hợp, kịp thời.