Ông Trần Xuân Huỳnh - Phó Giám đốc Bảo Việt Nhân Thọ Chi nhánh Quảng Trị (BVNTQT) cho biết: "Lý do chúng tôi không bồi thường bảo hiểm cho khách hàng Nguyễn Văn Thiên, cũng như không hoàn trả số tiền mà khách hàng này đã đóng cho cơ quan bảo hiểm là vì khách hàng đã vi phạm Nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Điều 4, mục 4.1.1. của BVNT. Cụ thể, ông Thiên đã điều trị bệnh nhịp nhanh xoang (mã bệnh 150-bệnh suy tim) và đái tháo đường từ ngày 15-9-2010, trước khi ông Thiên tham gia bảo hiểm mà không khai báo thông tin này với cơ quan bảo hiểm”. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Võ Thị Thúy Hằng (vợ ông Thiên) lại có ý kiến khác: Lúc ông Nguyễn Thanh Hạnh (trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) - nhân viên bán bảo hiểm của BVNTQT đến đặt vấn đề bán bảo hiểm cho gia đình, chỉ có tư vấn mảng ốm đau… nằm viện với nhiều quyền lợi. Sau khi chồng tôi qua đời đột ngột do bệnh tai biến mạch máu não tại BV Đa khoa Quảng Trị cho đến khi ông Hoàng Văn Binh - cán bộ của BVNTQT đến hỏi thông tin bệnh tật của chồng tôi trước lúc mất; tôi vẫn trả lời rất đầy đủ, không giấu giếm điều gì cả. Lúc đó, ông Binh có nói với tôi "Sao em thật thà vậy?” rồi hứa sẽ giúp đỡ. Một thời gian sau, ông Binh nhắn tin vào máy di động của tôi với nội dung: "Em à, anh rất buồn vì không giúp gì cho em, mong em hết sức thông cảm nhé!”.
Bà Hằng cho biết thêm: Ngày 27-9-2012, chồng tôi bị bệnh phải nằm cấp cứu, điều trị tại BV Trung ương Huế 4 tuần. Các bác sĩ cho biết chồng tôi bị bệnh tim và đái tháo đường. Trong thời gian nằm viện và sau khi đã khỏi bệnh, tôi đã thông báo, cũng như ủy quyền cho ông Hạnh làm các thủ tục để BVNTQT hỗ trợ tiền viện phí cho chồng tôi. Ông Hạnh đưa cho tôi mẫu giấy ủy quyền của BVNT để khai nội dung. Giấy này được UBND xã Triệu Đông đóng dấu xác nhận ủy quyền nhưng chờ mãi không thấy ông Hạnh quay lại để lấy đi làm thủ tục. Nhiều ngày sau, ông Hạnh đến nhà đưa cho tôi 300 nghìn đồng với lời giải thích: "Do lần đầu nằm viện nên mức BVNT hỗ trợ còn thấp, chỉ được 300 nghìn đồng”.
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thanh Hạnh và được ông Hạnh trả lời: "Ngay khi anh Thiên bị bệnh phải nằm điều trị tại BV Trung ương Huế, tôi đã báo cáo đầy đủ thông tin việc anh Thiên nằm viện với BVNTQT. Khi được biết số tiền hỗ trợ lần đầu chỉ bằng 25% của số tiền 50 nghìn đồng/ngày nằm viện, tôi đã không làm các thủ tục liên quan mà lấy tiền túi của mình đưa cho gia đình chị Hằng”. Khi chúng tôi hỏi ông Hạnh rằng BVNTQT có biết các thông tin về bệnh tật của ông Thiên lúc đó không, ông này khẳng định là có, đồng thời tỏ rõ sự bất bình khi BVNTQT không chịu bồi thường cho khách hàng của ông. Theo lời ông Hạnh, khi bán bảo hiểm cho khách hàng, ông đã tư vấn mọi quyền lợi khi mua gói bảo hiểm này. Liên quan đến tư vấn về nghĩa vụ của khách hàng khi mua bảo hiểm, ông Hạnh nói: "Tôi nhớ anh Thiên có điền đầy đủ các thông tin ở mục tình trạng sức khỏe, tiểu sử bệnh tật. Hầu như khách hàng nào cũng điền không có bệnh từ câu hỏi trên cùng đến câu hỏi cuối. Bởi vì cái này, BVNT cũng không bắt bẻ gì nhiều. Hơn nữa, khi anh Thiên bị bệnh nằm viện, tôi đã báo cáo đầy đủ với BVNT rồi”.
Theo luật, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, BVNT có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng nhưng BVNTQT vẫn để cho khách hàng tiếp tục đóng bảo hiểm. Khách hàng trong trường hợp này đã có dấu hiệu bị trục lợi trong suốt thời gian dài.
Sau khi ông Nguyễn Văn Thiên mất, ông Hoàng Văn Binh - cán bộ BVNTQT đã đến BV khu vực Triệu Hải (Quảng Trị) nơi ông Thiên đã từng nằm viện năm 2010 để lấy bệnh án (trong trường hợp này, cả người cung cấp bệnh án và người lấy bệnh án đều vi phạm qui định của pháp luật) và lấy đó để làm cơ sở từ chối bồi thường cho khách hàng(!). Trong cuộc trao đổi mới đây nhất với chúng tôi, ông Hoàng Văn Binh khẳng định ông biết rất rõ về khách hàng Nguyễn Văn Thiên. Ngoài sự quen biết "bắc cầu”, ông Binh còn là người trực tiếp quản lý, xác minh khách hàng Nguyễn Văn Thiên từ lúc tham gia bảo hiểm cho tới lúc qua đời nhưng không hề biết ông Thiên bị bệnh tiểu đường (!?).
Việc từ chối thực hiện nghĩa vụ của BVNTQT đối với khách hàng trong trường hợp này một lần nữa thể hiện sự thiếu minh bạch trong quá trình khai thác, cung cấp bảo hiểm nhân thọ, gây mất lòng tin của người mua bảo hiểm.