Theo đó, nhiều khách hàng tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi chăm sóc sức khỏe, không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình.
Chị T.L (Định Công, Hà Nội) vừa quyết định dành ngân sách dự phòng hàng năm để mua thêm một hợp đồng bảo hiểm mới với quyền lợi bảo hiểm bổ sung chủ yếu liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Chị T.L cho biết, đang xem xét một hợp đồng bảo hiểm có tên gọi “kế hoạch tài chính trọn đời” với quyền lợi cơ bản, quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ nằm viện, quyền lợi bảo hiểm theo mức độ cho bệnh nan y…
“Mức phí cho sản phẩm bảo hiểm vừa bảo vệ vừa đầu tư với mệnh giá 1,5 tỷ đồng này vào khoảng 14 triệu đồng/năm là khá hợp lý. Tuy nhiên, tôi đang tính mua thêm cả quyền lợi bổ sung cho hai con vào trong một sản phẩm này”, chị T.L chia sẻ.
Sau một thời gian dài nói không với bảo hiểm nhân thọ vì trong gia đình đã có người từng mua sản phẩm bảo hiểm “thế hệ cũ” với phí cao, quyền lợi ít, giá trị hoàn lại sau khi hợp đồng đáo hạn quá thấp, chị V.A (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu suy nghĩ tới bảo hiểm nhân thọ, bởi tìm hiểu một vài thông tin cho thấy, các sản phẩm bảo hiểm hiện nay đã bổ sung khá nhiều quyền lợi hấp dẫn.
“Tôi không quan tâm nhiều đến yếu tố đầu tư của sản phẩm bảo hiểm bởi thực tế, mức độ đầu tư không đáng kể. Tuy nhiên, bảo hiểm và bảo vệ sức khỏe là yếu tố đáng được suy nghĩ”, chị V.A nói.
Những khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm có bổ sung quyền lợi sức khỏe như hai chị T.L và V.A hiện nay không phải ít, đặc biệt là những đối tượng khách hàng trên 30 tuổi và đã lập gia đình. Khác với thị trường bảo hiểm hơn 10 năm về trước chỉ có những sản phẩm đơn giản, mệnh giá thấp, ít quyền lợi, ngày nay, thị trường bảo hiểm có thể đáp ứng hầu như đầy đủ các nhu cầu của khách hàng. Từ yêu cầu bảo hiểm đơn giản với hợp đồng bảo hiểm có mức phí thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng/năm đến các nhu cầu bảo hiểm cao cấp, với mệnh giá vài chục đến hàng trăm tỷ đồng cùng những dịch vụ khác biệt…, các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang cố gắng đáp ứng đầy đủ.
Tuy nhiên, “thực tế, so với sự phát triển của dân số, dễ dàng nhận thấy quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn quá nhỏ. Thị trường vẫn tăng trưởng nhưng tỷ lệ dân số được bảo hiểm bảo vệ vẫn còn rất thấp. Đây là tiềm năng nhưng cũng là thách thức lớn cho các công ty bảo hiểm”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận. Vị chuyên gia này nhận định, việc phát triển các sản phẩm theo đúng nhu cầu của khách hàng và kiên quyết nâng cao chất lượng dịch vụ là một trong những hướng đi đúng của các công ty bảo hiểm nhằm tiếp tục phát triển thị trường này.
“Phải thừa nhận rằng, các công ty bảo hiểm đều đang nỗ lực mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng, nhưng để có thêm nhiều người dân được bảo vệ bởi bảo hiểm thì nhận thức và sự chủ động của người dân với bảo hiểm vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, vị chuyên gia nói.
Bên cạnh bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm đầu tư vẫn có những phân khúc khách hàng nhất định nhưng không nhiều công ty bảo hiểm tập trung mạnh cho phân khúc này, bởi theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại chỉ được đầu tư với tỷ lệ nhất định, chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, một phần nhỏ vào bất động sản, chứng khoán…
“Danh mục và cơ hội đầu tư không có nhiều. Hơn nữa bán bảo hiểm đầu tư cần một đội ngũ đại lý am hiểu vững vàng về tài chính”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận lý do nhiều công ty bảo hiểm chưa thực sự đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm đầu tư.