- Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN Phùng Đắc Lộc chia sẻ xung quanh câu chuyện dựng hiện trường giả tai nạn để trục lợi bảo hiểm.
Theo ông Lộc, vụ việc Lý Thị Niên thuê người chặt chân tay rồi dựng hiện trường tai nạn tàu hỏa để nhận bảo hiểm chỉ là một trong vô số hành vi tìm mọi cách trục lợi bảo hiểm.
Ông Phùng Đắc Lộc |
Thưa ông, cảm giác của ông thế nào khi biết thông tin một phụ nữ thuê người chặt chân tay rồi dựng hiện trường tai nạn tàu hỏa mong nhận 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm?
Tôi thấy bàng hoàng. Vì đây là một phụ nữ, tuổi đời còn trẻ lại dám hủy hoại sức khỏe của mình. Cô gái ấy không lường trước được hậu quả của hành vi này hay sao, vết thương sẽ bị nhiễm trùng ra sao, điều trị không kịp có thể gây chết người.
Thứ hai, hành vi này tinh vi xảo quyệt, dựng hiện trường giả một vụ tai nạn giao thông đường sắt. Thứ ba, đây là vụ việc có tổ chức, có nghĩa có người tham gia góp sức vào để làm.
Từng có người ở Hưng Yên vào bệnh viện cưa chân
Trong lĩnh vực bảo hiểm, những trường hợp tương tự như thế có xuất hiện nhiều không?
Hành vi trục lợi bảo hiểm bây giờ đa dạng, phong phú, tinh vi, xảo quyệt, xảy ra ở tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm lẫn DN bảo hiểm. Riêng việc thuê người chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm thì là lần đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đây có câu chuyện hiện tượng ông L.V.U ở Hưng Yên. Ông này về hưu mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm nước ngoài. 1 tháng nộp phí bảo hiểm 15 triệu đồng. Nhưng ông ấy bị chân voi và đã dựng hiện trường giả về tai nạn giao thông.
Công an vào cuộc điều tra thì cũng thấy không có căn cứ để xác định đây là một vụ tai nạn giao thông. Ông ấy cứ đòi cưa chân đi, nhưng nhiều bệnh viện ở Hà Nội không làm. Sau đó ông ấy vào một bệnh viện khác cưa chân, rồi đòi bảo hiểm bồi thường.
Tòa án khi đó nghĩ mấy DN nước ngoài nhiều tiền thì bồi thường 750 triệu đồng không sao cả. Cho nên cuối cùng DN ấy phải bồi thường. Lúc ấy thị trường bảo hiểm còn mới, họ không muốn làm to lên cho nên chấp nhận theo phán quyết của tòa. Nhưng vụ ấy là rõ ràng trục lợi 100% rồi.
Có thể nói, động cơ của một số đối tượng mua bảo hiểm để trục lợi là rất cao vì lợi nhuận từ khoản trục lợi này nếu thành công rất lớn, họ bỏ vốn ra 1 thì có thể thu lợi đến hàng trăm, hàng nghìn lần.
Các hình thức trục lợi thường thấy là tự hủy hoại tài sản, sức khỏe và tính mạng của mình. Hai là giả mạo hồ sơ giấy tờ, tài liệu, hiện trường. Ba là hồ sơ giấy tờ có thật nhưng nội dung thông tin hoàn toàn giả mạo. Bốn là kê khai khống số tiền thiệt hại.
Trong những trường hợp phát hiện ra có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, DN bảo hiểm có công văn từ chối trả tiền một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm và nêu nguyên nhân từ chối đó.
Nếu trục lợi số tiền dưới 20 triệu hoặc làm thiệt hại dưới 50 triệu thì đưa cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính xử phạt hành chính. Nặng hơn thì sẽ để cơ quan cảnh sát điều tra xem xét xử lý theo tội hình sự.
Vợ giết chồng ở Anh
Ông vừa nói những hành vi trục lợi bảo hiểm rất tinh vi, xảo quyệt và đa dạng. Mỗi năm bảo hiểm mất khoảng bao nhiêu tiền từ các hành vi trục lợi này?
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), giai đoạn 2007-2012, trong 5 năm bảo hiểm phi nhân thọ bị trục lợi đến 250 tỷ đồng. Còn đối với bảo hiểm nhân thọ, trong 5 năm bị trục lợi hơn 550 tỷ đồng. Con số đó là nhiều, nhưng so với quốc tế thì chưa là gì.
Tôi vừa sang Anh. Bên đó, có 13 nghìn vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền bảo hiểm có dấu hiệu trục lợi là 21 tỷ bảng. Phát hiện, truy thu được 13 tỷ bảng. Phí bảo hiểm của họ thu được cũng chỉ khoảng 89 tỷ bảng. Cho nên các hành vi trục lợi tinh vi hơn. Ví dụ mất trộm mất cắp xe ô tô, hay vợ giết chồng, chồng giết vợ rồi dựng những tình huống ngoại phạm để hưởng tiền bảo hiểm thì nhiều.
Chồng hay đi chơi vào giờ này thì vợ cũng bỏ đi chơi. Trong khi đó, vợ tháo hết phanh xe ô tô ra rồi, thế là chồng “hy sinh” luôn. Vợ hay tắm vào giờ này thì chồng làm điện giật ở trong buồng tắm, trước đó chồng cũng bỏ đi chơi rồi để tạo bằng chứng ngoại phạm.
Quốc tế họ ứng xử với các hành vi trục lợi bảo hiểm như thế nào?
Ở Anh, tội danh trục lợi bảo hiểm này được cơ quan chức năng vào cuộc ngay. 20% lực lượng cảnh sát vào cuộc những vụ trục lợi bảo hiểm vì họ coi trốn thuế và trục lợi bảo hiểm là 2 tội nặng.
Đó là hành vi chiếm đoạt tiền của những người tham gia bảo hiểm khác, chứ không đơn thuần là tiền của công ty bảo hiểm. Bởi những cá nhân, tổ chức phải ky cóp từng đồng một để tham gia bảo hiểm, nhất là các tổ chức hoạt động từ ngân sách nhà nước lấy tiền thuế của dân ra mua bảo hiểm. Nói chung họ xem đó là tội rất nặng.