Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Cánh tài xế taxi Vinasun được bán hàng không cần bỏ vốn, chẳng mất phí gì thì liệu có tập trung cho công việc của mình không? Nếu giả sử, thay vì cố tìm bắt khách dọc đường mà tập trung đi bán bưởi thì sẽ ra sao?
Những ngày vừa qua, hãng taxi Vinasun bất ngờ triển khai chương trình bán bưởi da xanh trên những chiếc xe taxi của mình. Theo đó, trên mỗi chiếc xe có treo 1 túi bưởi mang thương hiệu "Bưởi da xanh Tam Tân". Bưởi được trồng bởi chính ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun.
Đừng nhầm tưởng Vinasun sẽ lãi to từ việc này
Thoạt nghe, nhiều người vỗ tay rầm rầm, tưởng là Vinasun sẽ được hưởng lợi khủng khiếp từ cách làm có vẻ như không mất gì này, nhưng, có lẽ là không phải.
Vinasun hiện quản lý, vận hành khoảng hơn 6.200 chiếc xe. Nếu triển khai việc bán hàng này, 6.200 chiếc xe sẽ như 6.200 “cửa hàng di động” mà không mất thêm chi phí gì vì đằng nào xe cũng chạy cho hoạt động kinh doanh chính, có chăng, chí mất chút diện tích để hành lý nhưng thường thì, taxi chẳng mấy khi đầy ắp hành lý cả nên thực tế, nếu mỗi tài xế mang theo vài chục quả bưởi cũng không ảnh hưởng gì đáng kể. Hiện, việc bán hàng này mới chạy thử nghiệm trên 600-700 xe.
Nghe thì tưởng như là một bài toán “khó” được giải khi “cái khôn” chợt ló ra. Nhiều người chưa gì đã vội kỳ vọng Vinasun sẽ lãi to từ việc này. Nhưng, thực tế là:
-Việc bán bưởi trên xe taxi của Vinasun chủ yếu nhằm mục đích giúp tài xế có thêm thu nhập. Được biết, nếu tài xế giới thiệu và bán được bưởi, họ sẽ được chia 20% doanh thu. Tất cả tài xế đều hào hứng với hình thức mới này, bởi lẽ, Họ Không Mất Gì.
-Bưởi là của Công ty TNHH một thành viên Tân Tân do ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun sở hữu. Tức, bưởi là của Tân Tân, tiền bán bưởi cũng là của Tân Tân. Vinasun không có cổ phần trong Tân Tân và tất nhiên là cũng chẳng được chia lãi từ việc này.
-Nếu Vinasun có được hưởng lợi thì có lẽ cũng chỉ được hưởng lợi chút đỉnh từ việc ký kết hợp tác với Tân Tân về việc bán bưởi này. Thường thế, việc này cũng chẳng được là bao.
Hay nói gọn lại, lợi ích kinh tế trực tiếp của việc bán bưởi cho Vinasun là rất thấp nếu không nói rằng là không có.
Vinasun có thể được lợi gì, mất gì?
Cái lợi đầu tiên là cánh tài xế có thêm thu nhập.
Đây là một điểm quan trọng. Khi mà thị trường vận chuyển hành khách trở nên cam go hơn bao giờ hết do có sự tham gia của Uber, Grab… Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt này là làn sóng chuyển việc của cánh tài xế. Không ít cánh tài xế đã bỏ việc tại các công ty taxi truyền thống, mua xe, chạy Uber vì thu nhập (theo nhiều tài xế Uber chia sẻ) lên đến nghìn đô một tháng. Mua xe cũng không quá khó đối với nhiều người khi mà ngân hàng cho vay dễ dàng, thậm chí, như Uber còn hỗ trợ cánh tài xế vay mua xe và lái xe cho Uber.
Cái lợi thứ hai là tăng thêm chút giá trị gia tăng cho một số ít khách hàng. Không phải mọi khách đi xe đều có nhu cầu mua bưởi nhưng một số thì có hoặc họ phát sinh ra nhu cầu đó. Việc bán bưởi trên xe có thể coi như tăng thêm một chút giá trị gia tăng cho khách hàng.
Cái mất có thể có đó là: sự phân tâm của cánh lái xe. Cùng với việc Không Mất Gì mà có thêm thu nhập, Vinasun sẽ khó lòng quản lý được việc cánh tài xế có thể sẽ phân tâm cho việc kiếm thêm này. Ví dụ: Nếu một khách quen đặt 100 quả bưởi đến đâu đó thì sao? 100 quả bưởi, nhân với 50.000 đồng/quả, được chia 20% doanh thu, tài xế sẽ có 1 triệu đồng. Nếu là xế, liệu họ chọn chạy ra khu vực khách quen đặt hàng để bán bưởi hay chạy khu vực văn phòng đông khách để bắt khách, nâng cao doanh số cho Vinasun?
Yếu tố con người luôn là yếu tố khó đoán nhất.