Dù thực tế, các công ty môi giới bảo hiểm lớn như Aon, Marsh, JLT… từng tiếp cận với một vài doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Manulife, Prudential, Dai-ichi… để phát triển sản phẩm bảo hiểm dành cho khách hàng doanh nghiệp, nhưng chưa đạt kết quả đáng kể.
Môi giới bảo hiểm có nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp nhất. Người môi giới bảo hiểm được hưởng hoa hồng từ doanh nghiệp bảo hiểm. Yêu cầu trên đòi hỏi người môi giới bảo hiểm phải hiểu sâu sắc sản phẩm của từng doanh nghiệp bảo hiểm để đưa ra những tư vấn chính xác nhất tới khách hàng.
Hiện có 11 công ty môi giới bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép, nhưng chỉ hoạt động tại mảng phi nhân thọ dành cho khách hàng là tổ chức, chưa lấn sâu sang mảng nhân thọ.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính, thủ tục yêu cầu giải quyết bồi thường cũng khá phức tạp và là trở ngại đối với khách hàng tham gia bảo hiểm. Khi đó, môi giới bảo hiểm phải là người hỗ trợ khách hàng trong việc yêu cầu bồi thường tổn thất với các công ty bảo hiểm trong suốt thời hạn của hợp đồng bảo hiểm.
Có thể nói, khách hàng được hưởng nhiều lợi ích khi sử dụng dịch vụ của nhà môi giới bảo hiểm. Là những chuyên gia bảo hiểm, nhà môi giới có thể tư vấn, thiết kế cho khách hàng chương trình bảo hiểm phù hợp nhất. Tiếp theo, để giúp cho khách hàng lựa chọn được công ty bảo hiểm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ, nhà môi giới bảo hiểm thay mặt khách hàng lựa chọn trên toàn bộ thị trường bảo hiểm - nói cách khác là nhà môi giới bảo hiểm mang cả thị trường bảo hiểm đến với khách hàng.
Tuy nhiên, trong ngành bảo hiểm nhân thọ hiện nay, doanh thu có được từ kênh môi giới còn khả hạn chế. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là do nhận thức của đa số dân chúng về bảo hiểm nhân thọ chưa tốt, khiến cho các doanh nghiệp môi giới chưa mặn mà vươn sang thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Bác sỹ Nguyễn Quỳnh Mai, một chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ từ năm 1998 đến nay cho biết: “Do chạy theo doanh số, nhiều công ty bảo hiểm chưa thực sự chú trọng tới chất lượng của đội ngũ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tư vấn viên. Sự bất cập về trình độ chuyên nghiệp của lực lượng kinh doanh khiến khách hàng cảm thấy nghi ngờ”.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia bảo hiểm, tâm lý khách hàng là thích mua sản phẩm với giá thấp nhất. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khó có thể đáp ứng tâm lý này, bởi mua giá thấp thì tiền chi trả cũng thấp, nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra, người mua sẽ chịu thiệt thòi.
Một nguyên nhân khác khiến nghề môi giới bảo hiểm nhân thọ chưa phát triển, theo ông Đặng Đình Chính, Công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền thông và đào tạo Bạch Kim, là tại Việt Nam, chỉ tổ chức mới được hoạt động đại lý bảo hiểm, cá nhân chưa được phép. Đây là điểm hạn chế về chính sách.
“Hiện có 11 công ty môi giới bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép, nhưng chỉ hoạt động tại mảng phi nhân thọ dành cho khách hàng là tổ chức, chưa lấn sâu sang mảng nhân thọ. Trong khi đó, nếu như ở nước ngoài, các cá nhân được phép hoạt động môi giới bảo hiểm, thì tại Việt Nam lại không được”, ông Chính nói và cho biết thêm, hoa hồng cũng là “nút chặn” khiến kênh môi giới bảo hiểm chưa thể phát triển.
Cụ thể, theo quy định, mức hoa hồng của môi giới chỉ bằng 1/3 mức mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho đại lý bảo hiểm, khiến kênh phân phối đại lý vẫn chiếm ưu thế.
Một vấn đề đặt ra là liệu môi giới ra đời thì có sự chồng chéo với nghề đại lý bảo hiểm nhân thọ hay không?
Theo các chuyên gia, môi giới bảo hiểm sẽ đại diện khách hàng để thương lượng với các công ty bảo hiểm những gì tốt nhất cho khách hàng về mặt thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm. Đồng thời, môi giới cùng thực hiện khâu thẩm định cuối cùng cho khách hàng trước và thương lượng với các công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau sao cho khách hàng nào cũng được bảo hiểm với mức phí bảo hiểm thấp nhất.
Vì vậy, kết quả là khách hàng sẽ có nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cùng chào đón và khả năng được bảo hiểm của khách hàng sẽ cao hơn. Qua đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đa dạng hóa được kênh phân phối, giúp hiệu quả bán hàng tốt hơn.