Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động. “Đây là việc làm hết sức thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh”, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.
Là người đề xướng Quốc hội giảm mức đóng BHTN cho doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 2, ông đánh giá thế nào nếu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội chấp thuận đề xuất này?
Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam phải nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và BHTN cao hơn các nước trong khu vực nên cũng cần phải nghiên cứu, xem xét giảm bớt khoản đóng góp nào đó nếu có điều kiện.
Hơn nữa, trong 3 năm liên tiếp vừa qua, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và trung tuần tháng 5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020. Điều này cho thấy Chính phủ đã có những nỗ lực thực sự để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thì Quốc hội cũng nên có chính sách cụ thể, thiết thực cùng với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp.
Dựa trên cơ sở nào mà ông đề nghị giảm 50% mức đóng góp BHTN cho doanh nghiệp?
Theo quy định tại Luật việc làm thì doanh nghiệp phải đóng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động trong đơn vị, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động và người lao động đóng 1% tiền lương tháng vào Quỹ BHTN.
Nếu như năm 2010, tổng số thu của Quỹ BHTN là hơn 5.148 tỷ đồng thì đến năm 2016 đã thu 11.728 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2010 chi ra (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, đóng bảo hiểm y tế cho người thất nghiệp) 457,11 tỷ đồng và đến năm 2016 chi gần 5.772 tỷ đồng.
Nói chung cả thu và chi BHTN đều tăng, nhưng do tốc độ tăng thu lớn hơn chi nên Quỹ BHTN hiện kết dư rất lớn. Tính đến cuối năm 2016, số tiền kết dư lên tới 56.486 tỷ đồng và nếu tốc độ tăng thu, tăng chi như thời gian vừa qua thì đến năm 2020 Quỹ BHTN vẫn rất an toàn.
Khác với Quỹ bảo hiểm xã hội là tiền tích lũy của người tham gia và chỉ được hưởng sau khi hết tuổi lao động nên luôn luôn phải có tích lũy, có kết dư; Quỹ BHTN là dự phòng trường hợp không may người lao động bị thất nghiệp, tạo điều kiện cho họ tìm kiếm việc làm mới nên không cần phải kết dư quá lớn.
Khi quỹ đã kết dư đủ lớn thì xem xét giảm mức đóng góp. Với nguyên tắc này, năm 2015, ngân sách nhà nước đã không cấp tiền cho quỹ nữa.
Nếu Quốc hội đồng ý giảm 50% mức đóng của doanh nghiệp vào Quỹ BHTN, theo ông, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng bao nhiêu tiền?
Tổng số thu Quỹ BHTN năm 2016 là 11.728 tỷ đồng, trong đó có một nửa do doanh nghiệp đóng, nửa còn lại do người lao động đóng vì ngân sách nhà nước đã chấm dứt hỗ trợ, tức là doanh nghiệp đóng 5.879 tỷ đồng, nếu giảm một nửa thì doanh nghiệp giảm được chi phí ít nhất 3.000 tỷ đồng.
Số tiền tiết giảm này tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước.
Đã tính trước được Quỹ BHTN vẫn rất an toàn ít nhất đến năm 2020 và việc giảm 50% mức đóng cho doanh nghiệp có nhiều hiệu quả như vậy sao không giảm luôn mà lại chỉ giảm đến hết năm 2019, thưa ông?
Mức đóng BHTN được quy định trong Luật việc làm, muốn thay đổi thì phải sửa luật mất rất nhiều thời gian. Trong khi chưa kịp sửa Luật việc làm thì tạm thời ban hành nghị quyết, sau đó tổng kết, đánh giá thực tiễn và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng khi tiến hành sửa Luật việc làm vào năm 2020.
Vấn đề quan trọng là trong mọi trường hợp phải bảo đảm cho người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp một lần, hỗ trợ học nghề và đóng bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian thất nghiệp); công khai, minh bạch thông tin về đóng - hưởng BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài đề xuất giảm 50% mức đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ BHTN ông còn đề xuất tương tự đối với Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động hằng tháng đóng 1% tính trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hiện quỹ này đang kết dư khoảng 20.000 tỷ đồng và cũng với tinh thần giảm chi phí tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và trong mọi trường hợp phải bảo đảm chế độ cho người lao động không may bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp nên tôi cũng đã mạnh dạn đề xuất giảm 50% mức đóng góp cho doanh nghiệp vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong một số năm cho đến khi sửa Luật bảo hiểm xã hội.
Nếu được giảm 50% mức đóng góp, mỗi năm doanh nghiệp giảm được chi phí khoảng 3.000 tỷ đồng, cộng thêm 3.000 tỷ đồng giảm được nhờ giảm mức đóng góp vào Quỹ BHTN sẽ đóng góp phần nào vào việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.