Chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được Chính phủ hai nước ký kết (hôm 5/5), tại Hàn Quốc đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Bảo hiểm Lotte và Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI).
Khi các nhà bảo hiểm lớn  bắt tay “xuyên biên giới”

Trước đó, tại Thái Lan, thỏa thuận hợp tác nguyên tắc 3 bên giữa Bảo hiểm Bảo Việt với Công ty Bảo hiểm DHIPAYA (DHIPAYA, Thái Lan) và Công ty Môi giới bảo hiểm ENC Plus (ENC Plus, Hàn Quốc) đã được ký. Cùng ngày, cũng tại Thái Lan, Tổng CTCP Bảo Minh (Bảo Minh) ký thỏa thuận hợp tác tương tự với 2 đối tác trên. 

Theo đó, DHIPAYA và ENC Plus sẽ hợp tác cùng Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam. Đổi lại, 2 nhà bảo hiểm Việt giới thiệu cho DHIPAYA cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng của mình tại Thái Lan.

Còn với hoạt động hợp tác giữa Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Lotte, Bảo hiểm PVI cho biết, sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực nhằm đảm bảo an toàn, thành công cho toàn bộ tài sản, hoạt động của Tập đoàn Lotte (công ty mẹ của Bảo hiểm Lotte) tại Việt Nam. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác với Bảo hiểm Lotte trong việc cung cấp các dịch vụ, dự án khác của tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, với những thỏa thuận song phương đó, nhà bảo hiểm Việt sẽ đứng ra cấp đơn bảo hiểm, hưởng doanh thu phí bảo hiểm và tái bảo hiểm cho nhà bảo hiểm nước ngoài, đồng thời hưởng hoa hồng tái bảo hiểm. 

Trước khi kết kết thỏa thuận chung này, Bảo hiểm PVI cũng đã thực hiện bảo hiểm cho Trung tâm thương mại Lotte Hà Nội (Lotte Center Hanoi) - dự án lớn nhất của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.

Trước khi có sự tham gia của Bảo hiểm PVI, một nhà bảo hiểm Việt lớn khác tại là Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã có sự hợp tác tương tự với Tập đoàn Lotte. Theo đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã và đang cung cấp bảo hiểm cho các hoạt động đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam. 

Không chỉ với các đối tác Hàn Quốc, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết trong suốt 50 năm hoạt động, nhà bảo hiểm này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hàng chục đối tác tương tự đến từ châu Âu, Mỹ… 

“Hầu hết các tập đoàn lớn chưa có chi nhánh được mở tại Việt Nam đều bắt tay với Bảo hiểm Bảo Việt”, thông tin từ Bảo hiểm Bảo Việt cho hay.

Những cái bắt tay “xuyên biên giới” kể trên cùng với xu hướng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại các nước Lào, Campuchia, Myamar của các DN bảo hiểm như PTI, BIC, BSH (sắp mở) càng cho thấy độ mở hơn trong hợp tác giữa các nhà bảo hiểm Việt với các nhà bảo hiểm ngoại, các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới.

Ba nhà bảo hiểm Việt vừa thực hiện những cú bắt tay xuyên biên giới kể trên đều thuộc Top 3 DN bảo hiểm phi nhân thọ. Còn các đối tác bảo hiểm ngoại cũng đều có “số má” tại nước sở tại. Bảo hiểm Lotte, với 69 năm kinh nghiệm về bảo hiểm, đã được Tổ chức Security Management Systems chứng nhận có hệ thống quản lý đạt chuẩn quốc tế (ISO 27001) và xếp hạng A+ bởi Korea Investor Service. 

Còn DHIPAYA cũng thuộc Top công ty bảo hiểm hàng đầu ở Thái Lan, với doanh thu phí bảo hiểm năm 2013 đạt 850 triệu USD. Hay ENC Plus là nhà môi giới tái bảo hiểm từng hỗ trợ Bảo hiểm Bảo Việt thu xếp tái bảo hiểm cho các dự án lớn tại thị trường Hàn Quốc.

Chính sách của một số nước, tập đoàn, công ty lớn trong khu vực gần đây cũng mở lối hợp tác với Việt Nam. Hàn Quốc và Thái Lan hiện đều gia tăng đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. 

Tập đoàn Lotte đang có chiến lược  phát triển ra toàn cầu với nhiều chi nhánh trên toàn thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, Tập đoàn này có không ít công ty kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, xây dựng. Còn chiến lược của DHIPAY là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh ở khu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam trong 5 năm tới để hòa nhập với xu thế phát triển của cộng đồng kinh tế khu vực ASEAN. 

Những cái bắt tay xuyên quốc gia, ngoài hướng tới sự tăng trưởng bền vững của các bên, các quốc gia còn mở ra nhiều triển vọng mới cho sự hợp tác phát triển kinh doanh bảo hiểm giữa các quốc gia. Mặc dù vậy, vẫn còn đó những “rào cản kỹ thuật”, đôi khi khiến các nhà bảo hiểm chùn bước..

“Các điều ước quốc tế đã được phê chuẩn, quy định về hợp tác bảo hiểm qua biên giới cũng được xác lập, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy phát sinh những ‘rào cản kỹ thuật’ liên quan đến chuẩn năng lực. Nhưng đã ra biển thì không tránh khỏi sóng to, gió lớn, buộc các nhà bảo hiểm Việt phải không ngừng tăng năng lực, liên quan đến cạnh tranh, tài chính, quản trị…”, lãnh đạo một DN bảo hiểm lớn trong nước cho biết.           

 
Top