Cần phát triển hơn nữa các kênh phân phối bảo hiểm trực tuyến, qua điện thoại di động...
Đó là các vấn đề liên quan đến mở rộng, nâng cao tính hiệu quả, an toàn hoạt động đầu tư của DN bảo hiểm nhân thọ; thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ; phát triển các kênh phân phối bảo hiểm mới; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đại lý bảo hiểm; phòng chống trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, nội dung thuế đối với mảng bảo hiểm nhân thọ cũng được các DN quan tâm.
Liên quan đến nội dung mở rộng, nâng cao tính hiệu quả, an toàn hoạt động đầu tư của khối bảo hiểm nhân thọ, có DN đề nghị mở rộng danh mục đầu tư, phạm vi đầu tư như cho phép cho vay có bảo lãnh, đầu tư trái phiếu huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng được Chính phủ, chính quyền địa phương bảo lãnh... Hay cho phép bổ sung tài sản đầu tư cho thị trường tài chính như trái phiếu chính phủ dài hạn (20 - 30 năm), giao dịch repo, công cụ phái sinh nhằm giảm rủi ro, phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành bảo hiểm nhân thọ trong xu thế hội nhập.
Trước đó, phát biểu trước Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm cách đây 2 tháng, ông Paul George Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cũng đã đề xuất mở rộng quy định về danh mục đầu tư đối với các DN bảo hiểm nhân thọ, theo đó cho phép khối này đầu tư vào các tài sản phái sinh dài hạn; đầu tư vào công trình xây dựng cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục; đầu tư ra nước ngoài...
Còn về nội dung thuế, một số DN bảo hiểm nhân thọ kiến nghị bổ sung ưu đãi thuế đối với bảo hiểm sức khỏe; nâng cao chi phí khấu trừ thu nhập DN đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, áp dụng chính sách thuế của bảo hiểm hưu trí tự nguyện thống nhất giữa các tổ chức kê khai.
“Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về phần chi phí hợp lý khi chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cho người lao động, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tham gia bảo hiểm”, CEO một DN bảo hiểm nhân thọ nói.
Hay với thuế thu nhập cá nhân, DN bảo hiểm nhân thọ đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi thích hợp đối với cá nhân khi mua bảo hiểm nhân thọ và nâng mức ưu đãi thuế đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện khi trong tương lai, đây được coi là sản phẩm góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước, đặc biệt khi tỷ lệ người cao tuổi càng ngày càng tăng.
Ngoài ra, liên quan đến kênh phân phối, đại diện một DN bảo hiểm cũng đề xuất, cần phát triển hơn các kênh bán bảo hiểm mới như bán bảo hiểm trực tuyến, bán bảo hiểm qua điện thoại di động… đang thịnh hành tại không ít DN bảo hiểm nhân thọ nhưng chưa có “đất sống” thực sự.
Các DN bảo hiểm nhân thọ cũng đánh giá cao những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức quản lý, giám sát của Bộ Tài chính trong năm qua liên quan đến việc kịp thời bổ sung chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển.
Chia sẻ với ĐTCK, khối DN này cũng tin tưởng cơ quan chủ quản sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế quản lý và giám sát, hướng tới những thay đổi tích cực, tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm trong việc tự quản lý, tăng cường chất lượng kinh doanh trong thời gian tới.
Khẳng định những đề xuất kiến nghị tại Hội nghị đều nhằm hướng tới sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho hay, cơ quan này sẽ tổng hợp và báo cáo lên cơ quan hữu quan nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của khối nhân thọ, vì sự phát triển chung của toàn ngành bảo hiểm.
4 tháng đầu năm 2015, với riêng mảng bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 9.167 tỷ đồng (tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2014), tổng số hợp đồng có hiệu lực đạt gần 6 triệu hợp đồng (tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2014), tổng số tiền chi trả quyền lợi ước đạt 1.214 tỷ đồng. |