Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, trong đó có Top 10 đồng loạt tái cấu trúc. Công cuộc tái cấu trúc đang được triển khai thế nào, kết quả ra sao?
Năm 2015, tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm trên diện rộng
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg, trong năm 2015, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Bộ sẽ tập trung xây dựng chính sách, ban hành các quy định về bảo hiểm vi mô, bảo hiểm xây dựng… cùng với việc nâng “chất” sản phẩm. Đặc biệt, Bộ này sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, rà soát việc tuân thủ pháp luật kinh doanh bảo hiểm và tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tái cấu trúc tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhóm 3.
Công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo mức độ an toàn vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo quy mô hoạt động, cơ cấu đầu tư và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2015 của MIC
Theo kết quả tái cấu trúc do Bộ Tài chính từng công bố, năm 2014, trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, có 8 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 (nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh có lãi); 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 2 (nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, tuy nhiên tỷ lệ chi phí hoạt động kinh doanh và tỷ lệ bồi thường cao hoặc hoạt động kinh doanh không có lãi trong 2 năm liên tục); 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 3 (nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, biên khả năng thanh toán thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu) và không có doanh nghiệp bảo hiểm nào thuộc nhóm 4 (nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt).
Ấn tượng doanh nghiệp mới thuộc nhóm 1
Đáng chú ý, MIC - 1 doanh nghiệp bảo hiểm chưa phải là lâu năm, đã gia nhập thị trường được 7 năm đã có mặt trong nhóm 1 trong khi các doanh nghiệp mới chủ yếu được xếp trong nhóm 2, hoặc nhóm 3.
Kết quả trên càng cho thấy chiến lược đúng đắn của MIC trên con đường trở thành doanh nghiệp bảo hiểm thuận tiện hàng đầu Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực sự “chất” thay vì số lượng. Cũng bởi thế, những đòi hỏi về phát triển kinh doanh, chất lượng nhân sự từ quản lý đến kinh doanh ngày càng mạnh mẽ hơn. Từ đó, các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là những “tân binh” cần có sự tận tâm và chuyên nghiệp, công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp phải minh bạch và tách biệt rõ rệt.
Ngoài ra, tái cấu trúc trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm còn được thể hiện rõ ở việc tái cơ cấu trong quản trị doanh nghiệp thông qua việc đồng loạt thay đổi nhân sự cấp cao.
Nhìn lại việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp bảo hiểm TOP 10 trong thời gian qua cho thấy, từ doanh nghiệp bảo hiểm nửa thế kỷ như Bảo Việt, đến các doanh nghiệp bảo hiểm lớn khác như MIC, BIC, PTI, PJICO… đều đồng loạt bổ sung, thay đổi Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng giám đốc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như yêu cầu của thị trường trong xu hướng tái cấu trúc theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, tại Bảo hiểm Bảo Việt, ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch HĐTV Bảo hiểm Bảo Việt vừa được bổ nhiệm thêm vị trí Tổng giám đốc. Tại PTI, ông Nguyễn Trường Giang được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm PTI, nhường ghế CEO cho ông Bùi Xuân Thu. Tại PJICO, ông Đinh Thái Hương, người của Tập đoàn Pextrolimex giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tại BIC, ông Trần Hoài An, được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc. Đây đều là những nhân sự nhiều năm liền gắn bó với ngành bảo hiểm, kinh qua nhiều vị trí chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Đáng chú ý, tại MIC, ông Uông Đông Hưng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB, người từng giữ vị trí lãnh đạo nhiều vùng, khu vực của MB vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT MIC, còn ông Nguyễn Quang Hiện giữ chức vụ Tổng giám đốc MIC. Ông Hiện cũng là người từng là người “thuyền trưởng” chèo lái “con tàu” MIC đạt dấu mốc quan trọng 1.000 tỷ đồng doanh thu chỉ trong thời gian ngắn. HĐQT cùng Ban điều hành thời ông Hiện luôn chú trọng đến việc quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống kênh và văn hóa doanh nghiệp khác biệt, khắt khe trong việc khai thác các dịch vụ xấu.
Trở lại với câu chuyện tái cấu trúc của cả thị trường phi nhân thọ đang triển khai, tái cấu trúc còn được thể hiện trong việc các doanh nghiệp bảo hiểm đồng loạt xây dựng chiến lược kinh doanh mới trong cuộc đua đến 2020. Cụ thể, tại MIC đó là quyết tâm nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh phát triển kinh doanh; Bổ sung ngày càng chuyên nghiệp các thành viên HĐQT, Ban điều hành; Phát huy tối đa lợi thế của từng người trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tái cơ cấu cũng cho biết, dù tái cấu trúc nhưng không quên quyết tâm mạnh mẽ trong việc giữ vững thị phần và tăng hiệu quả hoạt động, trong đó các doanh nghiệp thuộc TOP 5 đều đặt mục tiêu giữ vững vị trí, riêng Bảo hiểm PVI giữ vững vị trí số 1, và đặc biệt MIC phấn đấu nâng hạng từ TOP 7 lên TOP 5.
“Mục tiêu tái cấu trúc giúp MIC thực hiện phương châm: Nhanh - Khác biệt - Bền vững, tách bạch công tác quản trị và quản lý, chú trọng quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, tăng trưởng phải đi đôi với hiệu quả, đem lại nhiều kênh phân phối, nhiều dịch vụ trải nghiệm tới khách hàng của MIC, xây dựng văn hóa MIC để trở thành lợi thế của MIC”, ông Hiện cho biết.
Với diễn biến hiện tại, việc tái cấu trúc thời gian qua và sắp tới được dự báo sẽ đạt mức độ mạnh mẽ hơn, nhất là với khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc TOP 10 - nơi chịu áp lực mạnh mẽ hơn từ cổ đông, khách hàng và chính nội tại doanh nghiệp.