Theo Quyết định 35/2015/QĐ/TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, bảo hiểm nhân thọ được bổ sung vào danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với Bộ Công thương.
Để thực hiện quy định mới này, các doanh nghiệp bảo hiểm có thời hạn chuyển tiếp 90 ngày (đến ngày 15/1/2016) để đăng ký toàn bộ các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đang thực hiện.
Ngay sau khi Quyết định 35 được ban hành, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã có phản hồi tới các cơ quan chức năng và cho rằng, quy định này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm bảo hiểm mới.
Nỗi lo này tạm lắng khi Nghị định 73/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2016 có quy định, Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm.
Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương về sản phẩm bảo hiểm phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có văn bản phê chuẩn sản phẩm, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Khoản 3 Điều 40).
Tuy nhiên, việc ngày 2/12 tới đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo “Tập huấn về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” theo Quyết định số 35, với thành phần tham dự có các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khiến các doanh nghiệp này lại “đứng ngồi không yên”.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, nếu theo Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 và Điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, thì Quyết định 35 đã hết hiệu lực từ 1/7/2016.
Cụ thể, Điều 7 Luật Đầu tư 2014 quy định rõ điều kiện đầu tư kinh doanh cho các ngành nghề được quy định tại 4 hình thức văn bản quy phạm pháp luật là luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014, điều kiện đầu tư kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày hiệu lực của luật mà trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 nói trên sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
“Chúng tôi cho rằng, Quyết định 35 không thuộc 4 nhóm văn bản quy phạm pháp luật được chấp nhận tại khoản 3, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014. Việc đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/7/2016). Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm”, phó tổng giám đốc phụ trách pháp lý của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nói.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng phản ánh, vừa qua, Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cũng vừa có văn bản chấn chỉnh việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lo ngại về việc phát sinh thêm các thủ tục không cần thiết từ ngành công thương.
Tuy nhiên, trao đổi Đầu tư Chứng khoán, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Quyết định 35/2015/QĐ-TTg vẫn có hiệu lực bình thường, không liên quan đến Luật Đầu tư 2014 như viện dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
“Ngoài tập huấn Quyết định 35, chúng tôi còn tập huấn thêm 1 văn bản khác, không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp bảo hiểm, mà cho nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau, trong đó hướng dẫn các quy định về việc đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung liên quan đến sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chỉ là một phần nội dung trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng”, đại diện trên cho biết và khẳng định, 2 bộ (Công thương và Tài chính) đang xây dựng cơ chế phối hợp để rút ngắn thời gian, thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp bảo hiểm.