Sau khi Prudential Việt Nam chính thức công bố mô hình bán bảo hiểm trực tuyến, mới đây, Manulife Việt Nam cũng trình làng trang web bảo hiểm trực tuyến (e-commerce) sau khoảng 1 năm xây dựng.
Theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, việc đưa vào hoạt động trang web bán bảo hiểm trực tuyến lần này Manulife mong muốn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại về bảo hiểm nhân thọ.
“Mặc dù phần lớn khách hàng vẫn muốn tương tác và nhận được sự tư vấn trực tiếp của các đại lý bảo hiểm, nhưng đối với các khách hàng trẻ sành công nghệ thì việc tự tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm trên mạng đang trở nên phổ biến”, ông Paul Nguyễn nói.
Đại diện Prudential cũng cho rằng, kênh phân phối trực tuyến ra đời nhằm phục vụ đối tượng khách hàng hiện đại, bận rộn với công việc và mong muốn tự tìm kiếm các giải pháp bảo vệ tài chính phù hợp với nhu cầu của bản thân thông qua các công cụ trực tuyến. Khách hàng tham gia sản phẩm của Prudential ngoài việc được hưởng các dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp còn được tận hưởng các dịch vụ cộng thêm về giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Được biết, theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm. Cơ quan chủ quản của ngành bảo hiểm hy vọng, những giải pháp công nghệ mới được ứng dụng có thể thúc đẩy ngành này phát triển nhanh hơn với mục tiêu năm 2020, tổng doanh thu toàn ngành đạt 3 - 4% GDP.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, đầu tư vào công nghệ giờ đây là việc bắt buộc phải làm tại mỗi công ty bảo hiểm. Việc đầu tư vào công nghệ thông tin hiện đại không chỉ giúp cắt giảm tối thiểu các quy trình ký kết hợp đồng bảo hiểm, giúp 70 - 80% các hợp đồng có thể được duyệt ngay trong hệ thống (nếu không phải thẩm định sức khỏe). Nhờ đó, các công ty bảo hiểm cắt giảm được nhiều chi phí và có thể tạo ra những sản phẩm bảo hiểm có mức phí cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, quay trở lại với mô hình bảo hiểm trực tuyến, hãy còn quá sớm để nhìn nhận mô hình này có thành công ở thị trường Việt Nam hay không, bởi yếu tố này sẽ được khách hàng trải nghiệm và đánh giá. Việc phát triển mô hình này theo một số ý kiến nhận định sẽ không ảnh hưởng và cạnh tranh với kênh bán hàng truyền thống là đại lý hay bancassurance. Mô hình này chủ yếu hướng đến phân khúc khách hàng là những người trẻ, năng động và sành công nghệ.
Dù vậy, vẫn còn có những ý kiến tỏ ra nghi ngại sự thành công của mô hình bán bảo hiểm trực tuyến bởi đối tượng khách hàng hơi hạn hẹp. Hơn nữa, những khách hàng có trình độ và biết sử dụng công nghệ thông tin có thể lên mạng tìm hiểu so sánh các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và tìm mua có thể sẽ không thích những sản phẩm bảo hiểm đơn giản với mệnh giá bảo vệ thấp.
Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được thiết kế bán qua mô hình trực tuyến thường có quyền lợi khá đơn giản và mệnh giá bảo vệ chỉ từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng một hợp đồng.
“Khách hàng có trình độ am hiểu và có thể sử dụng thành thạo các công nghệ dễ dàng đọc hiểu và hoàn thiện các thao tác mua bảo hiểm trực tuyến là những người có thu nhập khá và ổn định có thể họ sẽ không thích mua những hợp đồng có mệnh giá bảo hiểm quá nhỏ”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Tất nhiên, với những mô hình mới, khó khăn ban đầu là điều khó tránh khỏi và mô hình bảo hiểm trực tuyến cũng không ngoại lệ. Các công ty bảo hiểm đi tiên phong phát triển mô hình này có thể cũng không kỳ vọng gì nhiều trong những năm đầu, mà chỉ mong muốn cung cấp thêm cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại về bảo hiểm nhân thọ.
Thời gian sau, khi khách hàng đã dần quen thuộc với mô hình mua bảo hiểm trực tuyến, các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể mở rộng hơn các quyền lợi và nâng dần mệnh giá của sản phẩm bán trên kênh này.