Báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp bảo hiểm khối nhân thọ cho thấy, dù có sự bám đuổi quyết liệt về doanh thu phí bảo hiểm, nhưng thị phần của các doanh nghiệp trong ngành hầu như ít thay đổi. Top 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường vẫn là Bảo Việt Nhân thọ và Prudential Việt Nam.
Prudential Việt Nam vẫn đứng đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm. Nếu xét riêng về thị phần doanh thu khai thác phí mới thì Bảo Việt đã vươn lên dẫn đầu thị trường. Dù con số doanh thu phí mới của 2 doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn nhất, nhì thị trường chênh lệch không quá lớn, nhưng phải nhìn nhận rằng, với Bảo Việt Nhân thọ, đó là sự nỗ lực và quyết tâm bứt phá rất bền bỉ trong một thời gian dài.
Cũng theo báo cáo sơ bộ, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2016 của Bảo Việt Nhân thọ tăng trưởng hơn 32% so với năm 2015; phí bảo hiểm khai thác mới tăng trưởng 42,09%, đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn thì đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng, đặc biệt khi Bảo Việt Nhân thọ là doanh nghiệp nội 100% duy nhất trên thị trường.
Nếu xét riêng về thị phần doanh thu khai thác phí mới thì Bảo Việt đã vươn lên dẫn đầu thị trường.
Trước sự bứt tốc của Bảo Việt Nhân thọ, nhiệm vụ ổn định nhân sự, lấy lại phong độ tăng trưởng và giữ vững ngôi vị số 1 cả về thị phần tổng doanh thu và doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới sau một thời gian hãng bảo hiểm này trải qua nhiều biến động có vẻ như khá thách thức với vị “thuyền trưởng” mới của Prudential trong năm 2017 này.
Ngoài “cặp đôi” bám đuổi nhau rất quyết liệt là Prudential – Bảo Việt, Dai-ichi Life Việt Nam và AIA Việt Nam cũng có thị phần tương đối sát nút trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm 2016 dường như Dai-ichi Life Việt Nam đã chớp thời cơ và có sự bứt phá hơn hẳn công ty bạn, với tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí trên 50% so với 2015 và tăng gấp 14,4 lần so với thời điểm mới thành lập vào năm 2007.
Xét về tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới, Dai-ichi Life Việt Nam thậm chí còn đuổi gần kịp công ty bảo hiểm đang nắm giữ thị phần thứ ba trên thị trường là Manulife Việt Nam. Mạng lưới hoạt động của Dai-ichi Life Việt Nam đã mở rộng lên gần 200 văn phòng trên toàn quốc.
Thực tế, nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng như vũ bão của Dai-ichi Life Việt Nam trong một vài năm gần đây, cũng có nhiều ý kiến e ngại khó kiểm soát được chất lượng hợp đồng, cũng như chất lượng đại lý…
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khóan về tốc độ tăng trưởng và những vấn đề rủi ro, đại diện cao nhất của hãng bảo hiểm này từng nói rằng: “Vấn đề là phải biết khống chế, biết đâu là điểm dừng, chứ không nên tăng trưởng bằng bất cứ giá nào”.
Trở lại cuộc đua thị phần trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, nếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện tại, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của hãng bảo hiểm đang nắm giữ thị phần thứ 3 thị trường là Manulife.
Không thể phủ nhận, Manulife năm qua cũng có được tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước, nhưng Dai-ichi Life Việt Nam cũng bứt phá liên tục, đặc biệt là việc chiếm lĩnh được các kênh kinh doanh bảo hiểm độc quyền như VNPost và một số kênh ngân hàng quan trọng…
Ngoài những doanh nghiệp trên, thị trường cũng con một số doanh nghiệp có khả năng sẽ tạo ra nhiều bất ngờ trong năm 2017, chẳng hạn như Chubb Life, Generali Việt Nam hay Hanwha Life Việt Nam. Đặc biệt, Generali Việt Nam dù cũng có một vài thay đổi về nhân sự, nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt trong năm 2016, với mức tăng trưởng tổng doanh thu phí là hơn 70%, doanh thu phí mới cũng tăng khoảng 40%.
Hãng bảo hiểm này cũng đang có những thay đổi rất quyết liệt về chất lượng dịch vụ và hứa hẹn sẽ có nhiều dịch vụ giá trị gia tăng mới cho khách hàng trong năm 2017.
Trong khi đó, sau khi hoàn tất việc thay đổi thương hiệu năm 2017 cũng là năm Chubb Life tăng tốc phát triển với việc mở rộng thị phần ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, với những mô hình văn phòng của riêng Chubb Life.
Năm qua, bên cạnh những doanh nghiệp bảo hiểm có tốc tăng trưởng rất tốt, khối bảo hiểm nhân thọ cũng ghi nhận doanh nghiệp tăng trưởng âm, đặc biệt đối với tốc độ tăng trưởng phí mới do thay đổi cơ cấu, tổ chức và nhân sự. Điều này đồng nghĩa với miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại.