🌷🌷🌷🌷🌷 CÓ " TÂM " CHẮC CHẮN SẼ CÓ " TẦM " 🌷🌷🌷🌷🌷

Chữ “Tâm” trong kinh doanh

Tâm trong sáng trong kinh doanh là một phương diện đạo đức trong kinh doanh. Khi có tâm, doanh nghiệp sẽ biết tôn trọng luật pháp, không dùng thủ đoạn thấp kém để qua mặt hoặc tiêu diệt đối thủ. Bản chất của kinh doanh là làm giàu. Làm giàu hợp pháp và hợp đạo đức là điều được Đức Phật khích lệ và đề cao. Đành rằng lợi nhuận là kết quả mong đợi của kinh doanh đúng cách nhưng lợi nhuận không phải là tất cả. Chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả chỉ tạo ra những rủi ro đáng tiếc cho mình và khách hàng mà thôi.

Học thuyết duyên khởi của Phật giáo cho chúng ta thấy sự có mặt của cái này dẫn đến sự có mặt của cái khác và ngược lại. Khi mậu dịch tự do được mở cửa, sự có mặt của các doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng cũng gia tăng, góp phần dẫn đến cạnh tranh trong thương trường. Khi kinh doanh, người Phật tử không nên xem người kinh doanh cùng mặt hàng là đối thủ loại trừ, không nên khởi lên tâm lý cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh là một động lực giúp các bên cùng phát triển. Khi trong thị trường có nhiều nhà sản xuất một mặt hàng thì người tiêu dùng được nhiều lợi ích, chẳng hạn, trả tiền ít hơn nhưng được sử dụng một sản phẩm có cùng chất lượng và giá trị.

Xem sự đa dạng và khác biệt không phải là mối đe dọa mà là một sự bổ sung, doanh nghiệp - Phật tử sẽ đề cao được cái tâm trong sáng trong kinh doanh. Động cơ và mục đích trong sáng này sẽ giúp cho doanh nghiệp định hướng sản xuất và phục vụ khách hàng tốt hơn. “Phụng sự chúng sinh” trong kinh doanh cũng là một dạng thức “Cúng dường Đức
Phật”. Xuất phát từ tâm lý này, đang khi kinh doanh với hỗ trợ của chương trình PR, Marketing và khuyến mại, doanh nghiệp - Phật tử không những không làm tổn hại tâm từ bi, mà còn biết nỗ lực nối kết các doanh nghiệp thành liên đoàn, cùng làm giàu cho đất nước, cùng đóng góp cho chúng sinh.

Chân thật là đạo đức trong kinh doanh


Đạo đức trong kinh doanh của Phật giáo bao gồm: Không lừa dối trong kinh doanh, không bơm phồng các giá trị ảo trong quảng cáo, chân thật trong những gì cam kết, và do đó không nên sử dụng các “chiêu trò” để lấy lòng khách hàng. Phương pháp “câu cá nơi có cá” mà bất chấp luật lệ câu, phương pháp câu sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường trước. Chân thật là cách tốt nhất để giữ hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng cũ cũng như các khách hàng tiềm năng.

Việc đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt nhất cho thị trường sẽ làm cho sản phẩm của doanh nghiệp được thị trường tiếp nhận và tiêu thụ bền vững. Cung ứng ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng chỉ để lại trong tâm trí người tiêu dùng một ám ảnh không tốt về doanh nghiệp. Đây là yếu tố làm cho doanh nghiệp tự mình loại trừ và đào thải mình ra khỏi hệ thống thị trường tự do vốn luôn có sự cạnh tranh khốc liệt và không tương nhượng. Thay vì đổ dồn vào việc ghét cay ghét đắng các doanh nghiệp cạnh tranh thì hãy xem cạnh tranh là chuyện bình thường.

Tâm từ bi chỉ có thể song hành với thái độ và hành động chân thật, vì biết bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tha nhân. Tâm từ bi chỉ có thể khởi lên khi hành động của ta không gây phương hại đến tha nhân, mà còn góp phần mang lại hạnh phúc cho cộng đồng. Trong thương trường sự làm giàu của doanh nghiệp A đôi lúc được hiểu là sự tổn thất và thua lỗ của doanh nghiệp B. Hiện tượng lở-bồi, thắng-thua trong kinh doanh là quy luật mà doanh nghiệp nên trang bị sẵn cho mình thái độ chuẩn bị đối phó và vượt qua. Chuyển hóa tâm hơn thua thành tâm đóng góp và phụng sự, doanh nghiệp sẽ làm lớn mạnh các hạt giống tử tế và từ bi trong đời sống thường nhật.

Xây dựng thương hiệu bằng các giá trị

Thay vì đặt nặng sự phát triển các “chiêu trò” trong tiếp thị, doanh nghiệp nên xem giá trị của sản phẩm là bản lề xây dựng thương hiệu. Khi giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng thương hiệu được xem là một bản sắc thì sự tự hào về sản phẩm của mỗi thành viên của doanh nghiệp sẽ góp phần tạo sức mạnh của thương hiệu.

Chỉ cần đặt câu hỏi: “Tại sao khách hàng muốn mua sản phẩm của bạn?”, doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng giá trị của sản phẩm là điều mà khách hàng quan tâm. Hiểu khách hàng bằng cách mang lại cho khách hàng các giá trị, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng trong thị trường. Các giá trị của sản phẩm phải đáp ứng được các nhu cầu sử dụng của khách hàng trong thực tiễn cuộc sống.

Xây dựng thương hiệu được xem là công việc quan trọng hàng đầu của lãnh đạo doanh nghiệp. Đằng sau khách hàng nào cũng có quyến thuộc và thân hữu. Khi khách hàng hài lòng thì sản phẩm mới được khách hàng chia sẻ với người thân. Hiệu ứng truyền miệng của khách hàng là con đường dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu. Mỗi nhân viên sẽ là một sứ giả quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp. Cách làm này vừa giảm thiểu chi phí PR nhưng lại có khả năng chống lại các trở ngại và cản lực từ bên ngoài, đặc biệt là sự cạnh tranh của đối thủ.

Chinh phục khách hàng bằng chất lượng của sản phẩm

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất trong việc thuyết phục khách hàng trung thành với dòng sản phẩm mà nhà sản xuất cung ứng cho thị trường. Nguyên tắc tâm lý sau đây không nên bỏ qua: “Khi nhà sản xuất không thể thuyết phục được bản thân mình thì sẽ không thể thuyết phục được khách hàng”. Nhà sản xuất cần thuyết phục mình bằng sự thuyết phục các nhân viên. Nhân viên tiếp thị và bán hàng là khách hàng đầu tay hay khách hàng nội bộ. Sự hài lòng và ủng hộ của nhân viên với thương hiệu và dòng sản phẩm mà họ có trách nhiệm PR sẽ góp phần quan trọng trong việc chinh phục thị trường ủng hộ sản phẩm.

Khi khách hàng nội bộ hài lòng và tự tin với dòng sản phẩm được giao tiếp thị thì công việc tiếp thị và làm hài lòng khách hàng bên ngoài mới có hiệu quả. Khi sản phẩm có chất lượng thì việc quảng bá sẽ được thực hiện theo quy trình từ khách hàng nội bộ ra khách hàng bên ngoài. Đây là cách làm vừa nhanh và có hiệu quả cao. Sự thuyết phục này nằm ở chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, khi sản phẩm có chất lượng, nhà sản xuất không phải quảng cáo khống cũng đủ sức chinh phục nhân viên và khách hàng về sự hài lòng và tự hào đối với sản phẩm được làm ra. Đây là cách thức giữ chân khách hàng bền lâu, có giá trị hơn là làm họ hài lòng bằng các “chiêu PR” tốn tiền mà sản phẩm thì kém chất lượng.

Nói tóm lại, giữ gìn tâm trong sáng bên cạnh việc tránh xa các điều phi pháp và phi đạo đức trong kinh doanh, đồng thời sử dụng lợi tức hợp pháp làm từ thiện là mô hình kinh doanh làm lớn mạnh tâm từ bi. Khi tâm từ bi có mặt trong kinh doanh và làm từ thiện, phước lộc ngày càng được tăng trưởng. Doanh nghiệp có lòng từ bi sẽ ngày càng giàu mạnh hơn, sống có tình người và tâm tử tế hơn và góp phần xây dựng một môi trường sống giàu lòng tương thân và tương trợ.

Sưu tầm.
 
Top