Căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất làm việc. Không đâu xa, chính những thói quen hàng ngày của bạn là lý do gây ra sự mệt mỏi.

Đừng để những thói quen xấu sau đây khiến bạn trở nên căng thẳng và giảm năng suất công việc

Những áp lực trong cuộc sống hiện đại khiến cho không ít người rơi vào tình trạng stress, khủng hoảng. Mặt khác, những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây nên lo lắng.

8 thói quen dưới đây được xem là “thủ phạm” gây căng thẳng và giảm sút năng lượng.

1. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thể trạng mệt mỏi. Theo một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley, thiếu ngủ “có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích những vùng não liên quan đến gia tăng lo lắng”. Những nguyên nhân thường gặp của thiếu ngủ bao gồm ngủ không điều độ, không ưu tiên giấc ngủ, dùng điện thoại hoặc máy tính trước khi ngủ.

Giải pháp:

Calm Clinic, một tạp chí trực tuyến chuyên đề kiểm soát lo âu, đã đề xuất việc hình thành một thói quen không sử dụng công nghệ trước khi ngủ, ghi chép lại những suy nghĩ làm bạn mất ngủ và thường xuyên tập thể dục ban ngày, để cơ thể tự khắc cần nghỉ ngơi vào ban đêm và giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên.

2. Bỏ bữa

Ăn uống điều độ không chỉ giúp cơ thể điều hòa quá trình trao đổi chất, cân bằng lượng insulin mà còn giúp ổn định tinh thần.

Theo tạp chí Cơ thể và Sức khỏe (Body and Health): “Việc nhịn đói quá lâu hoặc bỏ bữa sáng có thể dẫn đến lượng đường huyết không ổn định, gây ra cảm giác lo lắng, chóng mặt, không tỉnh táo và khó diễn đạt”.

Cơ thể mất nước cũng dẫn đến hậu quả tương tự. Bởi vì thực phẩm và nước là những nhu cầu sinh học tự nhiên, cơ thể bị đói và khát dễ dẫn đến lo lắng.

Giải pháp:

Luôn ăn uống điều độ. Hãy mang theo người vài thanh ngũ cốc dự phòng khi đói. Mang theo chai nước để uống đều đặn cả ngày. Bạn cũng nên uống một ly nước khi vừa thức dậy.

3. Uống café

Uống café giúp chúng ta tỉnh táo hơn và trong nhiều trường hợp, giúp chúng ta giải quyết tốt những nhiệm vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, café có thể gây nên cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó chịu, đặc biệt với những người dễ bị lo âu.

Những người bị mắc chứng “rối loạn hoảng sợ” (panic disorder) và “ám ảnh xã hội” (social phobia) thường nhạy cảm hơn với caffein và dễ bị kích động trong một số trường hợp. Caffein còn là chất lợi tiểu, khiến cơ thể dễ mất nước gây nên lo âu.

Giải pháp:

Hãy thử “cai” café bằng cách giảm xuống chỉ còn 1 ly một ngày hoặc thay bằng trà đen. Nếu bạn cảm thấy bình tĩnh và tự chủ hơn sau vài tuần, hãy quyết tâm bỏ hẳn.

4. Ngồi nhiều

Sự gia tăng các triệu chứng lo âu luôn song song với lối sống ít vận động của con người trong xã hội hiện đại. Trước đây, mối liên hệ này chưa được khẳng định. Nhưng sau khi phân tích, các nhà khoa học đã kết luận, những người thường xuyên ngồi quá lâu có nguy cơ cao mắc chứng lo âu.

Giải pháp:

Nếu công việc của bạn phải ngồi cả ngày, không sao cả, cứ 90 phút hãy đứng dậy và đi lại một lần. Hãy bù lại thời gian ngồi nhiều bằng việc tập thể dục thường xuyên. Luyện tập thể thao giúp giảm một nửa nguy cơ mắc chứng lo âu và trầm cảm.

5. Sử dụng điện thoại

Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Baylor, Mỹ cho thấy, mỗi sinh viên dành trung bình 9h mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Tất nhiên, công nghệ giúp chúng ta cải thiện cuộc sống rất nhiều. Nhưng quá nhiều cũng khiến chúng ta bất an.

Các hình thức giải trí trên điện thoại giúp hệ thần kinh hưng phấn hơn, nhưng mặt khác lại làm khuếch đại sự lo âu phiền não. Tương tự, mạng xã hội cũng là một tác nhân gây nên trầm cảm nếu không biết cách kiểm soát.

Giải pháp:

Khi không có gì để làm, hãy cất điện thoại trong túi. Hãy từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại để giải trí mỗi khi nhàm chán, thay vào đó, hãy sử dụng các chức năng của nó một cách có ý thức khi cần thiết.

6. Không cân bằng công việc – cuộc sống

Theo dữ liệu từ dự án “Tư duy công việc” của Tạp chí Forbes, giới trẻ rất dễ bị lo lắng và căng thẳng khi để công việc xen lẫn vào cuộc sống. Trên thực tế, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là lựa chọn của chúng ta. Con người ngày nay không tin rằng năng suất công việc nên được đo bằng kết quả thực hiện chứ không phải số giờ làm việc. Do đó, họ vẫn làm việc ngay cả khi đã rời khỏi văn phòng.

Giải pháp:

Chúng ta vẫn có thể có tham vọng, làm thêm giờ và gây ấn tượng với sếp mà không cần hy sinh sức khỏe tâm lý và cuộc sống cá nhân. Hãy đưa ra một lịch trình làm việc và nghỉ ngơi rõ ràng. Khi đã hết giờ, hãy đánh dấu công việc đã hoàn thành và dành thời gian cho bản thân.

7. Xem truyền hình giải trí

Bạn nghĩ việc nằm dài trên ghế và xem một bộ phim là thư giãn, nhưng nghiên cứu đã chứng minh suy nghĩ này là sai lầm. Theo một nghiên cứu, những người xem truyền hình sau 2h cảm thấy chán nản và lo lắng nhiều hơn so với những người không xem. Trong một nghiên cứu khác, những người mắc chứng lo âu và trầm cảm dành khá nhiều thời gian cho việc giải trí trên truyền hình. Chương trình giải trí có thể tạm thời làm giảm bớt lo âu, nhưng hiệu quả của nó không lâu dài, thua xa so với việc tập thể dục.

Giải pháp:

Hãy bỏ thói quen xem TV quá nhiều. Thay vào đó, hãy đi dạo, gặp gỡ người thân và bạn bè, hoặc làm những công việc yêu thích như vẽ, viết lách, nấu nướng hay chơi thể thao…

8. Tiếp xúc với những người hay lo âu

Bạn có thể cảm thấy tốt hơn khi tìm được một người giống mình, hiểu mình để trút bầu tâm sự. Nhưng nghiên cứu cho thấy, việc thấy hiểu và phân tích quá nhiều về sự lo lắng càng khiến cho tâm trạng tồi tệ hơn. Hơn nữa, việc tham gia “hội những người hay lo” cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Giải pháp:

Hãy kết bạn với những người lạc quan và yêu đời. Sau khi đi chơi với ai đó, hãy tự hỏi bản thân có cảm thấy vui vẻ hơn không. Với những người có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mình, đừng dành nhiều thời gian bên họ.

Theo trường Y khoa Harvard, lo âu có liên quan trực tiếp đến các bệnh về tim mạch, đau nửa đầu, rối loạn hô hấp và bệnh tiêu hóa. Vì vậy, đừng sống mãi trong sự lo lắng. Bằng cách thay đổi những thói quen hàng ngày, chúng ta có thể từng bước cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống của mình.

 
Top