Đã từng có những lo ngại rằng, khi mở cửa hội nhập, ngành bảo hiểm non trẻ của Việt Nam sẽ khó có thể trụ vững trước làn sóng đổ bộ của các tập đoàn bảo hiểm tên tuổi trên thế giới, có lịch sử hàng trăm năm.
Thế nhưng, không những đủ sức đứng vững, mà ngành này còn rất phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân luôn trên 10%, ngay cả trong thời kỳ nền kinh tế khó khăn nhất. Sau lộ trình mở cửa ngành bảo hiểm theo cam kết với WTO, các doanh nghiệp bảo hiểm lại đang chuẩn bị tâm thế bước vào “cuộc chơi” mới, đó là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo công bố của Bộ Tài chính, Việt Nam đã thực hiện toàn bộ nội dung cam kết với WTO trong lĩnh vực bảo hiểm. Cụ thể, Việt Nam không hạn chế đối với dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ tái bảo hiểm; dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế, bao gồm bảo hiểm cho các rủi ro liên quan tới vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không thương mại quốc tế, với phạm vi bảo hiểm bao gồm bất kỳ hoặc toàn bộ các khoản mục sau: hàng hoá vận chuyển, phương tiện vận chuyển hàng hoá và bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh từ đó, hàng hoá đang vận chuyển quá cảnh quốc tế; dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường…
Dù việc mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam so với một số nước trong khu vực được các chuyên gia trong ngành nhìn nhận là thoáng hơn, nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước bị “lấn lướt”. Thực tế, ở khối bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt Nhân thọ - công ty bảo hiểm 100% vốn của Tập đoàn Bảo Việt, dù đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng đến nay vẫn đứng vị trí thứ hai trên thị trường và doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới vẫn giữ được phong độ tăng trưởng tốt. Thậm chí, có những quý trong năm, tốc độ khai thác phí bảo hiểm mới của Bảo Việt Nhân thọ còn có phần vượt qua cả doanh nghiệp đang giữ vị trí số 1 của thị trường này.
Trong khi đó, ở khối phi nhân thọ, dù đã có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tên tuổi tham gia thị trường, nhưng 2/3 thị phần của khối này vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Cụ thể, các công ty bảo hiểm trong nước như PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PTI… vẫn đang giữ gần 70% thị phần của khối này.
Tuy vẫn còn những tồn tại như: tăng trưởng cao, ổn định, nhưng tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2% (theo số liệu Bộ Tài chính), thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%); hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn chưa phù hợp với pháp luật liên quan như giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Dân sự (hợp đồng bảo hiểm); chưa có quy định tội danh hình sự đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm trong Bộ Luật hình sự;… nhưng theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm dù là lĩnh vực tham gia hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường sớm nhưng là lĩnh vực hòa nhập tốt với sân chơi mới, và giữ vững tốc độ phát triển bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế. Chỉ tính riêng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, theo số liệu của Bộ tài chính, tính đến hết năm 2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 21%/năm), đã huy động trên 85.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, phần lớn thông qua hình thức phí bảo hiểm vào các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm và đầu tư dài hạn (thời hạn trên 10 năm)…
Sau sân chơi WTO, ngành bảo hiểm lại đang chuẩn bị tâm thế cho một “cuộc chơi” với những cơ hội và thách thức mới khi Việt Nam đàm phán thành công và chính thức ký kết các Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, TPP… Tuy nhiên, không có quá nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp trong ngành khi tiếp tục bước vào những môi trường mới này, vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã trưởng thành qua “sân chơi” WTO và hiện tại một số doanh nghiệp bảo hiểm (chủ yếu là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) cũng đang trong quá trình tái cấu trúc để nâng cao sức đề kháng. 
“Các Hiệp định thương mại mới có thể mang lại cơ hội lớn cho những công ty bảo hiểm phi nhân thọ mạnh về mảng bảo hiểm hàng hóa nhờ xuất khẩu gia tăng”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận.