Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

bao-hiem-huu-tri-tu-nguyen
Ảnh minh họa, (Nguồn Internet)

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ phải đáp ứng các điều kiện sau: Được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện hoạt động đại lý kinh doanh bảo hiểm; ký hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; có nhân viên thực hiện hoạt động chào bán bảo hiểm hoặc thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm được đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động sau: Giới thiệu khách hàng; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Trong đó, với hoạt động thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ để thẩm định, ra quyết định trả tiền bảo hiểm. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chi trả hộ tiền bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Dự thảo cũng nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể là: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được đồng thời làm đại lý cho doanh ngiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý; không được tác động để bên mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; không được xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải được giao kết riêng, tách biệt khỏi các giao kết khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hoa hồng đại lý bảo hiểm cho ngân hàng
Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện chi trả hoa hồng đại lý bảo hiểm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ nhưng không được vượt quá mức quy định của pháp luật hiện hành về hoa hồng đại lý bảo hiểm.
Ngoài hoa hồng đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được chi trả chi quản lý đại lý theo thỏa thuận ký kết tại hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể điều chỉnh phí bảo hiểm (tăng, giảm) tương ứng với mức hoa hồng trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có trách nhiệm xây dựng quy trình điều chỉnh phí bảo hiểm, đảm bảo công bằng đối với các đối tượng khách hàng. Tổng giám đốc (Giám đốc) và chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có trách nhiệm phê duyệt quy trình, cơ sở điều chỉnh phí, mức phí điều chỉnh đối với mỗi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và báo cáo Bộ Tài chính bằng văn bản trước khi áp dụng.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Thanh Hoài
Nguồn: chinhphu.vn
 
Top