Thêm vào đó, người dân và doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ với sản phẩm bảo hiểm thiết thực trên.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đến nay, các yếu tố về cách tính và cách khấu trừ thuế… vẫn được coi là rào cản chính cho quá trình “hội nhập” thị trường của bảo hiểm hưu trí tự nguyện, một trong những sản phẩm mang tính chất an sinh xã hội thiết thực nhất.
Được biết, tại Hội nghị thường niên Thị trường bảo hiểm năm 2015, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 12/2015/NĐ-CP, theo đó, quy định rõ phần chi phí hợp lý khi chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cho người lao động.
Ngoài ra, đối với thuế thu nhập cá nhân, các doanh nghiệp khối này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi thích hợp đối với cá nhân khi mua bảo hiểm nhân thọ và nâng mức ưu đãi thuế đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Thực tế, đề xuất nên có chính sách ưu đãi về thuế đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong giai đoạn đầu phát triển của sản phẩm này, không phải bây giờ mới được các doanh nghiệp bảo hiểm kiến nghị. Ngay từ khi mới có Dự thảo thông tin về sản phẩm hưu trí tự nguyện, những ý kiến trên đã được đưa ra. Tuy nhiên, mức khấu trừ thuế ban đầu được đề ra đã khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thất vọng.
Sau những lần kiến nghị tiếp theo, cơ quan chức năng đã sửa đổi và nâng mức khấu trừ thuế lên cao hơn gấp 3 lần mức cũ (mức tiền được khấu trừ thuế ban đầu là 1 triệu đồng). Nhưng theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa thực sự “lớn”, đủ hấp dẫn, để cả doanh nghiệp và cá nhân cùng hào hứng tham gia.
Tại một hội nghị mới đây, Bộ tài chính cũng thừa nhận một số chính sách về quản lý tài chính, thuế, đầu tư vẫn chưa đủ sức khuyến khích doanh nghiệp mua bảo hiểm nhóm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho người lao động…
Chính vì vậy, sau gần 2 năm tham gia thị trường bảo hiểm, sự hiện hữu của bảo hiểm hưu trí tự nguyện vẫn còn khá mờ nhạt nếu so với sự thâm nhập của các sản phẩm bảo hiểm khác. Tất nhiên, thời gian thâm nhập thị trường của sản phẩm này còn khá mới cũng là một lý do.
Theo thống kê của Bộ tài chính, hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ bản thân về mặt tài chính, và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước… Đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, hiện chưa có thống kê cụ thể của toàn thị trường, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia bán sản phẩm này như Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã có số lượng hợp đồng nhất định.
Theo thông tin mới công bố của PVI Sun Life, doanh nghiệp này đang dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực hưu trí tự nguyện, chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 90% thị phần. Từ khi ra mắt vào tháng 4/2014 đến nay, sản phẩm Hưu trí PVI Sun Life đã cung cấp kế hoạch hưu trí cho hơn 10.000 cán bộ công nhân viên thuộc hơn 20 doanh nghiệp trên cả nước.
Được biết, dù chưa quảng bá rầm rộ, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã triển khai sản phẩm này vẫn đang tiếp tục quá trình tìm kiếm và mời gọi các khách hàng tiềm năng (đặc biệt là các doanh nghiệp mua bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên). Các doanh nghiệp bảo hiểm trên vẫn hy vọng có những chính sách ưu đãi tốt hơn nữa về thuế cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện (cho cá nhân, cũng như doanh nghiệp mua cho cán bộ công nhân viên), để tạo động lực đủ mạnh nhằm khai thác hết tiềm năng phát triển của sản phẩm này.