Ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam đã ít nhiều được triển khai tại các DNBH. Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ trong quản lý giám sát bảo hiểm hiện vẫn chưa được tiến hành, trong khi đó, điều này đã không còn lạ lẫm tại nhiều nước trên thế giới.
Sẽ sớm áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát bảo hiểm

Mới đây, tại Bộ Tài chính đã diễn ra buổi làm việc giữa Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Cục Tin học & Thống kê tài chính, CTCP hệ thống thông tin FPT, Công ty CMC, CTCP Tập đoàn HiPT về các giải pháp xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong công tác quản lý, giám sát bảo hiểm.

Tại cuộc gặp gỡ, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, hiện Cục này và toàn thị trường bảo hiểm chưa có một hệ thống công nghệ thông tin tổng thể, kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm với tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Kênh giao tiếp thông tin hiện nay chủ yếu được thực hiện trên các văn bản giấy tờ dẫn đến mất nhiều thời gian, và gây khó khăn cho công tác quản lý giám sát, phân tích dự báo và hoạch định chính sách”, ông Trung nói. 

Trong khi đó, dù công nghệ thông tin đã được các DNBH áp dụng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhưng vẫn còn chưa đồng nhất, chỉ có một số DNBH áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, còn đối với phần lớn các doanh nghiệp còn lại, hệ thống công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.

Theo khảo sát của ĐTCK, hầu hết DNBH thuộc khối nhân thọ đã triển khai việc áp dụng công nghệ thông tin trong bán bảo hiểm, do khối này có tới 16/17 DN là DN nước ngoài. Còn với khối phi nhân thọ, do đa số vẫn là DN nội (chỉ có 7/29 DN là DN  ngoại) nên chưa nhiều DN áp dụng. Hiện mới có một vài DN tiên phong trong áp dụng công nghệ thông tin như bán bảo hiểm trực tuyến, qua di động hay truy vấn bồi thường qua điện thoại…tuy nhiên, vẫn chủ yếu tập trung vào các DN lớn như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, PJICO, PTI, còn đối với DN nhỏ thì chỉ có BIC và MIC.

Tại hội nghị mới đây, Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC), ông Cung Trọng Toàn cũng đề xuất nên sớm xây dựng kho dữ liệu chung của toàn thị trường về bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới, để tránh tình khách hàng có lịch sử bồi thường xấu bị DNBH A từ chối bán bảo hiểm, nhưng lại được săn đón bởi DNBH B do không nắm được thông tin

Áp dụng công nghệ trong giám sát bảo hiểm khá phổ biến tại các nước nhưng vì sao tại Việt Nam bây giờ mới bắt tay làm? Đó là do quy mô phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, cũng như thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay tại nước ta. Việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chung cho toàn thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang là yêu cầu hết sức cần thiết. 

Với 1.200 sản phẩm bảo hiểm hiện có (800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 400 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ) được bán tại gần 2.000 điểm kinh doanh, việc thiếu công cụ giám sát hiện đại, được chuẩn hóa cũng khiến công tác giám sát chưa triển khai một cách toàn diện, trong bối cảnh việc tuân thủ pháp luật tại một vài DNBH còn chưa cao. Cũng bởi thế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý giám sát liên quan đến định giá sản phẩm, đánh giá mức độ tương thích giữa phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm, tính toán dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán... hiện được xem là còn sơ khai.

Ngoài ra, ghi nhận từ Cục quản lý & giám sát bảo hiểm cũng cho thấy việc áp dụng công nghệ đã được đề cập đến từ những năm trước, tuy nhiên do chi phí về tài chính cũng như nguồn nhân lực để đầu tư một hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu của sự phát triển của thị trường còn chưa đủ, nên cần có thời gian để triển khai trong thực tế. 

Áp dụng công nghệ trong giám sát cũng là một trong số các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm được đưa ra tại Chiến lược Phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ban hành theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin chung cho toàn thị trường sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng cho thị trường bảo hiểm kho dữ liệu chung, sử dụng lâu dài, có khả năng phát triển, mở rộng, cung cấp thông tin đủ, kịp thời, chính xác. Từ đó không những giúp cho cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, mà còn giúp cho DNBH trong quản trị doanh nghiệp và người dân tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm nhanh nhất. 

Được biết, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đang trong quá trình soạn thảo trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát bảo hiểm và sẽ sớm triển khai áp dụng.

 
Top