Bảo hiểm nhân thọ, bước qua “vùng trũng” đầu năm
2 tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới của Hanwha Life ước đạt gần 50 tỷ đồng, tăng trưởng 126%

 Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính về thị trường bảo hiểm nhân thọ mới đây đã cho thấy kết quả bất ngờ về tình hình khai thác mới của khối này trong hai tháng đầu năm, với mức tăng trưởng trên 44% cả về doanh thu phí lẫn số lượng hợp đồng. 
Nỗ lực “mở hàng” đầu năm của các DN đã được đền đáp.
Cụ thể, doanh thu khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ trong hai tháng đạt 1.249 tỷ đồng, với 179.828 hợp đồng. Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 43%; bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 39,89%. Bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hưu trí lần lượt chiếm 4,74% và 0,64%. Các nghiệp vụ khác, gồm bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 1,2%. 
Prudential, Manulife, Dai-ichi, Hanwha Life, Cathay, Fubon, Aviva, Generali là những DN tập trung bán bảo hiểm hỗn hợp. Prudential và Daii-chi cũng có mặt trong nhóm DN có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung lớn trong tổng số lượng hợp đồng khai thác mới, bên cạnh ACE, Dai-ichi, AIA và Bảo Việt Nhân thọ. Kết quả ấn tượng về tình hình khai thác mới trong 2 tháng đầu năm được giới chuyên môn đánh giá là nhờ nỗ lực duy trì thị phần của khối DN dẫn đầu cùng sự vươn lên của các tân binh. Chưa kể một chiến lược đưa sản phẩm mới ra thị trường vào cuối năm 2014 để vượt qua quy luật “vùng trũng” của thị trường trong 2 tháng đầu năm.
Xét về thị phần doanh thu khai thác mới trong 2 tháng đầu năm, dẫn đầu vẫn là những tên tuổi quen thuộc. Bảo Việt Nhân thọ đứng vị trí số 1 thị phần (với 23,11%), tiếp đến là Prudential (22,1%), Manulife (12,26%), AIA (10,43%), Dai-ichi (9,35%). Trong khi đó, các tân binh như Generali và Hanwha Life có mặt trong nhóm doanh nghiệp  có mức tăng trưởng ấn tượng trong ngành. Generali là yếu tố bất ngờ của thị trường bảo hiểm nhân thọ, với thị phần doanh thu khai thác mới đạt 6,33%, tiếp đến là ACE Life (4,18%), Hanwha Life (3,29%), Prevoir (2,09%), PVI Sun Life (1,58%), Aviva (0,79%), Cathay (0,7%)…
Với Hanwha Life Việt Nam, 2 tháng đầu năm nay, doanh thu khai thác mới tăng trưởng tới 126%, ước đạt gần 50 tỷ đồng. Kết quả này có được là nhờ số lượng tư vấn tài chính hoạt động được duy trì trên 1.500 người.  Còn với Generali Việt Nam, năm 2014, Công ty có bước tăng trưởng đột phá, với doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. DN này cũng đứng đầu nhóm DN có phí bảo hiểm bình quân khai thác mới (ước khoảng 30,92 triệu đồng/hợp đồng). 
Chất lượng khai thác mới tốt hơn, tăng trưởng cả về số lượng hợp đồng lẫn số phí bảo hiểm thu được đã góp phần tăng trưởng cao của khối này trong 2 tháng đầu năm. Số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ trong 2 tháng ước đạt 3.074 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng đầu năm nay, số lượng hợp đồng có hiệu lực (theo hợp đồng chính) cũng tăng hơn 13,5%, ước đạt 5.847.915 hợp đồng. 
Về thị phần doanh thu phí (hợp đồng chính), tính đến hết tháng 2/2015, Prudential dẫn đầu với 30,1%, tiếp đến Bảo Việt Nhân thọ (27,7%), Manulife (12,1%), AIA (10,7%), Dai-ichi (7,7%), ACE (4%), Generali và Hanwha cùng nắm 2,1%, Prevoir (1,2%)… 
Những con số tăng trưởng mạnh về doanh thu khai thác mới cũng như doanh thu phí bảo hiểm nói chung của khối bảo hiểm nhân thọ trong hai tháng đầu năm đã cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng đột phá của khối này, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần khởi sắc, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,03%, mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.
Dẫu vậy, “đường dài mới biết ngựa hay”, để khối bảo hiểm nhân thọ có sự tăng trưởng đột phá trong năm nay, các DN bảo hiểm cần phải duy trì được đà tăng trưởng trong các tháng tiếp theo. Bởi thực tế, có những năm, dù xét tăng trưởng theo tháng của khối nhân thọ thì có nhiều tháng rất tốt, nhưng kết quả cả năm lại không được như kỳ vọng của thị trường. Hay như 6 tháng đầu năm 2014, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhóm dẫu tăng trưởng tới 244% vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm 12% số lượng hợp đồng cá nhân, theo số liệu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Chưa kể, sự sụt giảm lớn của một vài DN từng ghi dấu ấn quyết định đến sự tăng trưởng trước đó cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn thị trường. Còn nhớ, năm 2013, PVI Sunlife đạt doanh thu kỷ lục 1.000 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động, khiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn khối nhân thọ tăng trưởng tới gần 47%, đạt khoảng 7.603 tỷ đồng). Nhưng sang năm 2014, tân binh này đã không còn đứng ở vị trí thứ 3 mà tụt xuống vị trí thứ 9 về thị phần doanh thu khai thác mới (với 2,56%).

                                                                                      Nguồn : Internet
 
Top