Tôi không xứng đáng được giàu có, tôi cần phải có bằng cấp mới có thể làm giàu, giàu có chỉ dành cho những người may mắn...
Có thể bạn không biết cách suy nghĩ hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm giàu. Đó là những gì mà triệu phú tự thân Steve Siebold đã phát hiện sau 25 nghiên cứu người giàu.
“Khi tôi bắt đầu nghiên cứu những người thành công và giới siêu giàu vào năm 1984, tôi từng cho rằng họ đều tham vọng hơn tất cả những người bình thường khác. Tuy nhiên, sau đó tôi đã phát hiện ra rằng, người giàu khác biệt ngay từ cách suy nghĩ. Và không phải vì thiếu động lực, mà chính thiếu niềm tin mới là thứ cản bước phần đông thế giới còn lại đạt được sự giàu có”, ông viết trong cuốn sách “How Rich People Think” của mình.
Theo Siebold, dưới đây là 8 suy nghĩ và niềm tin sai lầm khiến nhiều người không thể làm giàu được.
Tôi không xứng đáng được giàu có
Số đông nghĩ rằng họ không có đủ năng lực để đạt được sự giàu có. Họ thường tự hỏi bản thân rằng “mình là ai mà dám mơ thành tỷ phú chứ”. Trong khi đó, người giàu luôn đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao tôi không thể trở thành tỷ phú? Tôi cũng nỗ lực như những người khác và tôi xứng đáng đạt được sự giàu có. Tôi phục vụ người khác thì tôi xứng đáng nhận lại tiền bạc chứ?
Người giàu luôn có niềm tin vào tiền bạc và niềm tin ấy tạo nên động lực thay đổi thái độ để họ tiến về phía trước.
Tôi cần phải có bằng cấp mới làm giàu được
Hầu hết người bình thường trong chúng ta cho rằng con đường đến sự giàu có phải bắt đầu bằng học vấn bài bản. Tuy nhiên, trên thực tế không phải triệu phú nào cũng có bằng cấp, họ coi trọng việc tích lũy kiến thức hơn là tấm bằng.
“Mặc dù người giàu quý trọng giá trị của học vấn nhưng họ không coi đó là thước đo để xây dựng tài sản. Đương nhiên, rất nhiều người giàu có bằng cấp cao từ thạc sỹ đến tiến sỹ; nhưng bằng cấp không giúp họ làm giàu. Chính việc giải quyết vấn đề, theo đuổi đam mê và kiên trì mới là thước đo của sự giàu có”, triệu phú Siebold nói.
Làm việc chăm chỉ sẽ giúp tôi giàu có
Người bình thường cho rằng làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra của cải. Mặc dù đánh giá cao sự chăm chỉ nhưng người giàu biết rằng thặng dư mới tạo ra tài sản cuối cùng mỗi ngày.
“Nếu chăm chỉ là bí quyết để đạt được thành công về tài chính thì ngay cả một công nhân xây dựng hay nhân viên pha chế cocktail cũng có thể trở nên giàu có. Sự chăm chỉ đối với người giàu có nghĩa là hiểu rõ về đối thủ và biết tận dụng lợi thế từ các nhà cố vấn”, Siebold viết.
Sự giàu có chỉ dành cho một số ít người may mắn
Trong khi phần đông chúng ta cho rằng sự giàu có là một đặc quyền chỉ dành cho những người may mắn thì người giàu tin rằng ai cũng có quyền như nhau để làm giàu.
“Người bình thường chờ đợi những điều may mắn sẽ đến với mình như trúng số hoặc được thừa hưởng tài sản thừa kế bất ngờ. Trong khi đó, người giàu luôn tìm cách để giải quyết vấn đề trước tiên. Họ tin rằng nếu họ có thể giúp cho cuộc sống của người khác dễ dàng hơn, họ sẽ trở nên giàu có”, triệu phú tự thân Steve Siebold khẳng định.
Tôi phải có tiền để tạo ra tiền
Người nghèo luôn “biện hộ” rằng họ nghèo vì chưa có đủ tiền để làm giàu. Tuy nhiên, sự thật là rất nhiều triệu phú cũng bắt đầu từ “hai bàn tay trắng”. Họ chỉ có ý tưởng, sau đó tìm cách giải quyết vấn đề để tạo ra tiền bạc.
“Nếu bạn cũng làm như người giàu, bạn sẽ thấy rằng tiền bạc giống như một thỏi nam châm. Chỉ cần bạn đầu tư đúng chỗ, tiền sẽ tự tìm đến với bạn”, tác giả cuốn sách “How Rich People Think” cho biết.
Tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền để nghỉ hưu
Mục tiêu làm giàu của tầng lớp bình dân chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền để nghỉ hưu ở tuổi 65 và sống dư dả cho đến khi họ chết đi. Còn người giàu thì ngược lại, họ muốn dùng tiền của mình để góp phần thay đổi thế giới.
Vì vậy, để làm giàu, bạn đừng bao giờ sợ phải suy nghĩ lớn. Người nghèo kiếm tiền chỉ để tiêu tiền, còn người giàu kiếm tiền để giúp đỡ người khác.
Tôi làm việc chỉ để kiếm tiền
Nếu như hầu hết chúng ta vẫn cho rằng mục đích làm việc là để kiếm tiền thì người giàu không nghĩ vậy. Với họ, làm việc trước hết là để tìm niềm vui. Người giàu luôn yêu thích những việc mà họ làm và tìm cách kiếm tiền từ niềm yêu thích đó.
“Tôi cho rằng làm việc vì mục đích kiếm tiền là một trong những quan niệm đầu tư sai lầm nhất của mọi người. Thay vào đó, hãy tìm công việc để thỏa mãn niềm đam mê trước. Khi bạn theo đuổi đam mê, tiền bạc sẽ theo đuổi bạn”, Siebold cho biết.
Tôi không thể có tất cả
Người nghèo tin rằng họ phải lựa chọn giữa gia đình hạnh phúc và sự giàu có, chứ không thể có được cả hai. Trong khi đó, các triệu phú cho rằng họ có thể có được mọi thứ mà mình muốn. Do đó, người nghèo luôn nghĩ đến từ “hoặc” còn người giàu luôn nghĩ đến từ “tất cả”.
Người Mỹ chuẩn bị tài chính cho tuổi nghỉ hưu như thế nào?