Sân sau nhà tôi gần khu rừng có nhiều loài chim được bảo tồn, nhờ thế tôi được ngắm trăm màu nghìn vẻ của lũ chim. Giữa xuân, hoa phù du đang rộ, bầy hồng tước, bồ câu rừng, sẻ gai lũ lượt bay đến sân nhà tôi, trong đó to nhất là lũ sẻ gai. Có 1 đôi sẻ gai đẻ được 5 đứa con, không biết có phải lũ chim non sợ rét hay không mà đứng sát nhau trên cành, đợi mẹ bay về.
Đầu tiên chim mẹ bay đến nhặt thức ăn trong bồn, sau đó sà xuống sân mổ nát rồi mới bay lên cây mớm cho con. Khi chim mẹ bay tới gần, bầy con vỗ loạn xạ đôi cánh non, mỏ há to và kêu lớn. Đừng nghĩ chim non nhỏ xinh, mỏ chúng khi há ra to đến kinh người. Mà màu mỏ chim non cũng khác chim lớn, mỏ chúng màu vàng, nhìn xa vẫn rất rõ.
Quan sát lũ chim một hồi lâu khiến tôi rùng mình, tôi nhận ra giữa những con chim non trong cái tổ nhỏ đó có 1 cuộc đấu tranh khốc liệt: đấu tranh sinh tồn. Bọn chim non há mỏ, kêu to, vỗ cánh loạn xạ không có gì khác hơn ngoài việc gây chú ý cho chim mẹ.
Chim rốt cuộc cũng chỉ là chim, chim mẹ không biết chia phần đều cho bầy con. Nó bay đi bay về có khi chỉ để mớm cho một, hai chim non, đó là những con há mỏ to nhất, kêu vang nhất, vẫy cánh hung tợn nhất. Có lần, tôi quan sát con chim con yếu ớt nhất, đến nửa ngày nó chưa được miếng nào. Tôi sốt ruột nhưng biết làm gì? Chỉ nên trách chim mẹ ngốc nghếch, cũng càng trách con chim nhỏ đó không biết thể hiện bản thân!
Qua một thời gian, những con chim không biết “thể hiện” và không được ăn biến mất, chỉ còn lại 2-3 con được ăn nhiều, cuối cùng tự đi kiếm ăn được. Tôi nghĩ: liệu đó có phải là quy luật tự nhiên? Bởi thể lực chim mẹ có hạn, thức ăn có hạn, trong quá trình trưởng thành, những con yếu ớt tự nhiên bị đào thải.
Những biểu hiện “há mỏ”, “khua cánh”, “kêu to” khiến ta phải suy nghĩ, bởi cuộc sống của loài chim cạnh tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên cũng mang hình ảnh xã hội loài người.
Cuối năm ngoái, khi thống kê những cuốn sách bán chạy trong năm, báo Dân Chủ đưa ra một sự thật tàn nhẫn: lượng sách bán chạy so với lượng sách bán ế chỉ bằng ¼ . Mỗi tháng nhà xuất bản Kim Thạch Đường cho ra đời gần 700 đầu sách, 7% trong đó cả năm không bán nỗi 1 cuốn.
Những cuốn sách bán không được đều dở cả? Không! Có thể chúng vẫn được đưa tới hiệu sách, song không được “phơi mặt” mà bị xếp vào góc, nằm đó cả năm, không được ai lật xem. Như vậy nội dung sách có hay thì cũng có tác dụng gì? Số mệnh của những cuốn sách bán ế giống như những con chim non yếu đuối kia, không biết kết thúc ra sao. Dường như số mệnh của chúng là vừa ra đời đã chết yểu.
Chúng ta hay nói người tài không sợ bị vùi dập, sớm muộn thế nào cũng có ngày ngẩng đầu, có lẽ ngày nay câu đó không còn đúng nữa!
Một trăm năm trước, bạn có thể dựa vào thi cử mà vang danh thiên hạ. Ba mươi năm trước, chỉ cần tốt nghiệp Đại Học là bạn có thể tự đắc. Mười năm trước, bạn có thể nhờ bằng Thạc sĩ mà kiếm được công việc tốt. Còn đến nay, bạn có bằng Tiến sĩ e vẫn thất nghiệp như thường. Bởi khi bạn mải mê học Tiến sĩ thì người khác đã vượt qua, lấy được bằng rồi cũng chỉ để làm công cho ông chủ tốt nghiệp phổ thông trong nước.
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này, không những bạn cần thành công, mà còn phải thành công kịp thời, nếu không sẽ thất bại. Cũng như muốn lấy 1 người chồng như ý, cô gái không thể chỉ dựa vào tính cách hay ngoại hình trời phú mà còn phải chủ động gặp gỡ người mình yêu.
Nếu không, bạn chỉ giống như cuốn sách rất hay nhưng lại không được quảng cáo, bị xếp lên giá cao. Và dù nội dung sách có tuyệt vời đến đâu thì cũng khó tránh nổi số phận “bán ế”.
“Nội dung” bạn có hay đến đâu nhưng không được ai lật xem thì có tác dụng gì? Mà trong thời đại này, quá “đát” (expiry date) là không ai ngó đến nữa!
Thế nên, chẳng thà hãy học gương mấy con chim non khỏe mạnh ngoài sân kia.