Mua bảo hiểm nhân thọ công ty nước ngoài ???

Một số khách hàng băn khoăn, do dự trước việc tham gia bảo hiểm nhân thọ của công ty nước ngoài. Họ nghiêng về phía công ty của “nước mình” hơn với lý do sợ công ty nước ngoài “ôm tiền bùng về nước thì biết đâu mà đòi”! Tâm lý này còn ảnh hưởng đến cả những người làm nghề khi lựa chọn sẽ trở thành tư vấn viên của công ty nào. Vậy có nên phân biệt đối xử như thế không? Tôi xin được chia sẻ một vài điều để các bạn tự suy ngẫm.
Thứ nhất: Dù là công ty trong nước hay nước ngoài thì đều phải tuân thủ Luật kinh doanh bảo hiểm cùng các văn bản pháp quy của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm một cách công bằng. Thậm chí, công tác quản lý, giám sát của Bộ Tài chính đối với các công ty nước ngoài còn có những quy định chặt chẽ hơn rất nhiều. Bất cứ công ty bảo hiểm nào muốn hoạt động thì cũng đều phải có Giấy phép, đều phải có vốn pháp định, vốn điều lệ, đều phải trích lập các loại quỹ dự phòng nghiệp vụ như nhau…và điều quan trọng là toàn bộ phí bảo hiểm của khách hàng đều được các công ty bảo hiểm đầu tư trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam theo những nguyên tắc chặt chẽ, nhất quán.
Thứ hai: Các công ty bảo hiểm nước ngoài ở đây là công ty nào? của nước nào? Đó là Dai-Ichi của Nhật Bản, Prudential của Anh, Manulife của Canada, AIA, Hanwhalife… Xin thưa rằng Việt Nam chúng ta còn đang được hỗ trợ từ các nước đó rất nhiều. Nhật Bản, Anh, Canada hay Hàn Quốc…họ có vay của Việt Nam đồng nào đâu! Ngược lại chỉ có chúng ta đang được họ viện trợ, cho vay rất nhiều. Chúng ta không “bùng” họ thì thôi chứ cớ sao họ lại phải “ôm tiền” của chúng ta mà về nước?
Thứ ba: Lịch sử bảo hiểm nhân thọ của các công ty nước ngoài đã hơn 430 năm qua với bề dày kinh nghiệm cùng những sản phẩm tối ưu và công nghệ quản lý hiện đại mà chúng ta với chưa đầy 20 năm non trẻ còn đang phải học hỏi, nhận chuyển giao từ họ thì tại sao lại cho rằng công ty bảo hiểm nước ngoài không tốt bằng công ty bảo hiểm nước mình?
Thứ tư: Các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài như Prudential, Manulife, Dai-Ichi, AIA, ACE life, Hanwhalife…cũng đã và đang đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam chúng ta nói chung. Họ cũng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp; đội ngũ quản lý, tư vấn viên bảo hiểm của họ cũng đóng thuế thu nhập cá nhân như công ty bảo hiểm trong nước. Thậm chí nếu nói về số tuyệt đối thì các công ty nước ngoài còn đóng góp nhiều hơn. Và nhiều nhiều hoạt động xã hội từ thiện, chung sức cùng cộng đồng cũng được các công ty nước ngoài hết sức quan tâm.
Thứ năm: Nếu khách hàng sợ công ty bảo hiểm nước ngoài “ôm mất tiền về nước” thì tại sao hiện nay có rất nhiều doanh nhân Việt Nam và không ít người Việt chúng ta lại thấy yên tâm hơn khi gửi tiền của mình vào các ngân hàng của nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí còn gửi ở các ngân hàng nước ngoài ở tận Châu Âu, Châu Mỹ? Các công ty bảo hiểm nước ngoài, họ phải mang tiền của họ sang nước mình đầu tư, họ phải tự thuê hoặc xây trụ sở, văn phòng làm việc cho mình…Họ có sợ mất tiền đâu mà chúng ta lại sợ họ lấy mất?
Thứ sáu: Để tên tuổi và thương hiệu của mình có giá trị hàng tỷ đô-la Mỹ như hiện nay, các công ty bảo hiểm nước ngoài cũng đã phải đầu tư hàng tỷ đô-la Mỹ và hàng chục, hàng trăm năm nỗ lực phấn đấu vì quyền lợi khách hàng. Vậy chẳng lẽ họ sẵn sàng mất tất cả uy tín, danh dự và lợi nhuận vô cùng lớn lao của mình trên toàn cầu bằng việc “ôm tiền” của người Việt chúng ta?
Thứ bảy: Hàng hóa, vật dụng, đồ dùng, phương tiện đi lại, mỹ phẩm và cả tiền…chúng ta đều thích của nước ngoài bởi cho rằng tốt hơn, có giá hơn…Vậy lý do nào lại phân biệt bảo hiểm nhân thọ nước mình với nước ngoài?
Hãy thật công tâm! Hãy “hội nhập” cả khối óc, trái tim và tấm lòng của mình trong đối xử để có sự công bằng! Điều quan trọng nhất vẫn là khách hàng thật trung thực thông tin khi tham gia bảo hiểm, kiên trì duy trì hợp đồng của mình và người tư vấn viên hãy luôn tư vấn chính xác, vì nhu cầu và quyền lợi của khách hàng thì dù là công ty bảo hiểm nước mình hay nước ngoài cũng đều rất tốt.
 
Top