Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 16/5/2016 nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ Nghị quyết 35Hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ Nghị quyết 35

Theo tinh thần Nghị quyết 35, Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện cho DN đầu tư kinh doanh và phát triển; đảm bảo chính sách ổn định, nhất quán, dễ dự báo, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện; đảm bảo bình đẳng của tất cả các DN trong tiếp cận nguồn lực, vốn tài nguyên; đảm bảo điều kiện kinh doanh rõ ràng minh bạch, dễ thực hiện và có lộ trình xóa bỏ giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý, đơn giản khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm...

Đó cũng các nguyên tắc mang tính chỉ đạo khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định hướng dẫn chế độ tài chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các thông tư hướng dẫn thi hành 2 nghị định này trong thời gian tới, cũng như các nghị định, thông tư khác có nội dung và đối tượng điều chỉnh là DNBH liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xây dựng kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020.

Có thể thấy, Nghị quyết 35 đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và DNBH. Chẳng hạn, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước quá trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN…

Ngoài ra, Nghị quyết 35 cho biết nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy khi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh tổng hợp tình hình ban hành và thực hiện thủ tục hành chính, đề xuất giải pháp cải cách, rà soát chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng đối với thị trường hiện tại, do việc phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Bộ Tài chính và đăng ký sản phẩm bảo hiểm của Bộ Công thương theo nghị quyết này đang có sự chồng chéo.

Chính sách tích cực khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiếp cận và sử dụng hiệu quả đất đai nông nghiệp, tạo đà cho DN, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, cung ứng sản phẩm tại Nghị quyết góp phần làm tăng nhu cầu bảo hiểm đối với lĩnh vực này.

Những định hướng trong tháo gỡ khó khăn về thuế DN ngay trong năm 2016 như đề xuất giảm thuế suất thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp… giúp tăng thêm nhu cầu và khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm. Hay việc xây dựng cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN, có lộ trình xóa bỏ hình thức thuế khoán, từ đó tăng số lượng DN tư nhân được thành lập với trình độ quản lý, kinh doanh tốt hơn cũng thúc đẩy khu vực này tham gia bảo hiểm.

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ DN, người tiêu dùng, tạo dựng niềm tin cho DN phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nhu cầu bảo hiểm phát triển.

Việc giảm chi phí kinh doanh cho DN (tiền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phí đường bộ, phí BOT…), cũng như mở rộng khấu trừ cho DN về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục chi phí quảng cáo tiếp thị cũng giúp DNBH được hưởng lợi.

Việc công khai minh bạch giá và phụ thu dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, tạo đà cho DN vận tải biển Việt Nam hạ giá thành, cạnh tranh cước phí với DN vận tải biển quốc tế, góp phần phát triển vận tải biển và bảo hiểm tàu biển, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

Những rà soát, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả của các cơ quan thanh-kiểm tra, kiểm toán. Như vậy, các DNBH sẽ không phải đối mặt với nhiều cuộc thanh-kiểm tra như trước.

Cuối cùng, theo Nghị quyết, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất trên 1 triệu DN hoạt động, trong đó các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh, người lao động chính thức (có hợp đồng và bảo hiểm xã hội) sẽ gia tăng; thu nhập tăng làm gia tăng nhu cầu và khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm.

Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

 
Top