Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thường đưa ra mức lãi suất minh họa hấp dẫn cho sản phẩm bảo hiểm, trong khi lãi suất thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy khách hàng cần lưu ý những yếu tố nào để tránh nguy cơ bị “sốc” sau này?
Ông Trương Minh Cát Nguyên
Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn Đại lý bảo hiểm TILA.
Theo ông, có phải doanh nghiệp bảo hiểm “cam kết” trả lãi suất cao thì mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng hay không?
Đã tham gia bảo hiểm thì lãi suất không nên và không phải là yếu tố đầu tiên để khách hàng lựa chọn tham gia bảo hiểm. Khách hàng cần hiểu rõ rằng, bảo hiểm là để bảo vệ; yếu tố “đầu tư” hay “tiết kiệm” nếu có kèm theo trong một sản phẩm bảo hiểm thì cũng chỉ là phần thứ yếu. Tính chất bảo vệ của bảo hiểm luôn được đánh giá vượt trội hơn ngân hàng.
Nếu bạn gửi ngân hàng một số tiền A, khi chẳng may bất trắc xảy ra thì bạn chỉ nhận lại đúng số tiền A cộng với tiền lãi. Với số tiền này, trong trường hợp bạn là người trụ cột của gia đình chẳng may mắc phải bệnh hiểm nghèo, sẽ khó có thể trang trải các chi phí khám và điều trị, trong khi đồng thời vẫn phải duy trì cuộc sống cho gia đình; hoặc xấu hơn là qua đời, thì cuộc sống của gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu đi nguồn tài chính từ người trụ cột.
Nhưng nếu dùng số tiền trên để tham gia bảo hiểm, thì khi có biến cố xảy ra, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã dùng để tham gia bảo hiểm, nhờ đó giúp giải quyết các nhu cầu về tài chính tốt hơn. Do vậy, khách hàng tham gia bảo hiểm cần quan tâm tìm hiểu kỹ về các sản phẩm và giải pháp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình nhất, trong cả hiện tại và trong tương lai, sau đó mới đến yếu tố lãi suất.
Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng áp một mức lãi suất tối đa thì khách hàng cần căn cứ trên các tiêu chí nào để lựa chọn sản phẩm phù hợp?
Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn rất dài, thậm chí đến hết cuộc đời khách hàng (đến 99 - 100 tuổi), nên khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm là vô cùng quan trọng. Khách hàng cần cân nhắc những yếu tố sau khi quyết định tham gia bảo hiểm: uy tín và tiềm lực của công ty bảo hiểm; khả năng tài chính trong tương lai của bản thân để có thể duy trì hợp đồng đến khi đáo hạn; danh mục sản phẩm đa dạng và khả năng gia tăng quyền lợi cho khách hàng từ phía công ty bảo hiểm; sản phẩm bảo hiểm cùng các quyền lợi gia tăng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của mình; mức độ ổn định của quỹ đầu tư liên kết chung; định hướng phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung và nhu cầu của cá nhân khách hàng nói riêng.
Doanh nghiệp bảo hiểm thường đưa ra mức lãi suất minh họa hấp dẫn, trong khi lãi suất thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy khi đọc bảng minh họa, khách hàng cần lưu ý thêm những yếu tố nào để tránh nguy cơ bị “sốc” sau này?
Mức lãi suất bảo đảm và mức lãi suất tối đa đều đã được quy định bởi Bộ Tài chính. Mức lãi suất công ty bảo hiểm cam kết với khách hàng có thể dao động giữa hai mức trên. Những công ty lớn thường có danh mục đầu tư lớn và đầu tư vào các tài sản dài hạn, nên mức độ dao động lãi suất không lớn, không có nhiều biến động qua thời gian.
Muốn tránh “sốc”, khách hàng nên tìm hiểu mức độ ổn định của quỹ đầu tư liên kết chung thông qua thông tin về lịch sử hoạt động của quỹ này (được quản lý bởi công ty bảo hiểm). Bộ Tài chính quy định, các thông tin này phải được công bố trên website của công ty.
Theo Thông tư 52/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, có hiệu lực từ ngày 1/6/2016, doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng tỷ suất đầu tư thanh toán cho bên mua bảo hiểm tối đa bằng tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của doanh nghiệp 5 năm tài chính gần nhất (không vượt quá 8%/năm) để thể hiện phạm vi dao động thu nhập của quỹ liên kết chung.
Thực tế, không ít doanh nghiệp bảo hiểm trả cho khách hàng mức lãi suất cao hơn so với mức thể hiện trong bảng minh họa, ông có nhận xét gì?
Thông tư 52 quy định, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm được quyền thể hiện mức tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của mình trong 5 năm tài chính gần nhất trong hợp đồng bảo hiểm. Chỉ số này sẽ được cập nhật hàng quý. Sẽ có doanh nghiệp do đầu tư hiệu quả nên có mức tỷ suất cao hơn 8%/năm, nhưng việc ghi nhận mức cam kết chi trả trong hợp đồng bảo hiểm về chỉ số này không được vượt quá 8%/năm. Điều này nhằm đảm bảo tính bình đẳng, ổn định của thị trường tài chính, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các kênh huy động vốn, tránh các cuộc đổ xô rút, hủy hợp đồng chuyển sang các doanh nghiệp khác.
Về mặt nguyên tắc, đối với riêng khoản phí bảo hiểm tham gia vào quỹ liên kết chung, không được thực hiện chi trả vượt quá 8%/năm. Tuy nhiên, khách hàng cũng nên lưu ý khi tham gia bảo hiểm nhân thọ sản phẩm liên kết chung, doanh nghiệp bảo hiểm có thêm các điều khoản thưởng cổ tức vào cuối năm hay không, khoản mục chi trả này được Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện. Nếu có, tổng cộng hai khoản mục, khách hàng sẽ được chi trả tối đa cao hơn 8%/năm.