Trong những tháng đầu năm 2016, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại do những yếu tố không mấy khả quan từ tổng cung, từ khu vực công nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, trên cơ sở những nền tảng phát triển vững chắc đã được xây dựng trong hơn nửa thế kỷ qua, Tập đoàn Bảo Việt vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan.
Kết thúc quý I/2016, Tập đoàn Bảo Việt đạt tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.547 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 387 tỷ đồng, hoàn thành 32,5% kế hoạch năm. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục gia tăng tỷ trọng so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp tỷ trọng 79,4% trong tổng doanh thu, đạt 4.404 tỷ đồng, kế đến là hoạt động tài chính với tỷ trọng 19,1%, đóng góp 1.062 tỷ đồng vào tổng doanh thu hợp nhất Quý I. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/3/2016 đạt 62.751 tỷ đồng.
Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 320 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 252 tỷ đồng, hoàn thành 25,1% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế đạt 242 tỷ đồng. Tổng tài sản tại ngày 31/3/2016 đạt 12.216 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt 12.001 tỷ đồng.
Lĩnh vực kinh doanh nòng cốt duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bứt phá về tổng doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu khai thác mới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ và tư vấn viên trên toàn hệ thống, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục ghi nhận các mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm.
Bảo Việt Nhân thọ đã khẳng định vị trí số 1 trên thị trường cả về tổng doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu khai thác mới. Theo số liệu thống kê, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Việt Nhân thọ là 28,9% (đạt 2.722 tỷ đồng), thị phần doanh thu khai thác mới là 20,6% (đạt 688 tỷ đồng), với các mức tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm là 30%, tăng trưởng doanh thu khai thác mới 44,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Bảo hiểm Bảo Việt đạt tổng doanh thu 1.796 tỷ đồng, tăng 8,2%; Lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng, hoàn thành 32,9% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Một số nghiệp vụ ghi nhận mức tăng trưởng tốt như Bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm con người (+11,4%), Bảo hiểm xe cơ giới (+7,1%), Bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt (+10,7%), Bảo hiểm tàu thủy (+7,4%), Bảo hiểm trách nhiệm chung (+8,2%), Bảo hiểm hàng không (+55,1%).
Bảo hiểm Bảo Việt cũng là đơn vị có doanh thu phí bảo hiểm giữ lại cao nhất thị trường, đạt 1.281 tỷ đồng, thể hiện năng lực của một doanh nghiệp bảo hiểm vững mạnh và có kinh nghiệm nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Với kết quả kinh doanh khả quan trong Quý I/2016, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục thực hiện định vị chiến lược là doanh nghiệp hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và trong lĩnh vực bảo hiểm cá nhân và hộ gia đình.
Bảo Việt đặt mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp giữ vị trí số 1 thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ.
Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) đạt kết quả kinh doanh ổn định, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng về tổng tài sản quản lý. Tại thời điểm 31/3/2016, tổng tài sản do BVF quản lý đạt 32.753 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), tăng 1.728 tỷ đồng, tương ứng 5,6% so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 21 tỷ đồng, tăng trưởng 71,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng hoàn thành 32% kế hoạch năm 2016, ghi nhận mức tăng trưởng 60,6%. Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) do BVF phát hành đã được UBCKNN cấp phép thành lập với vốn điều lệ gần 77 tỷ đồng.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đạt tổng doanh thu 64,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 23,76 tỷ đồng. Về thị phần môi giới trái phiếu trong Quý I tại HSX, BVSC đã vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất, tăng thị phần môi giới trái phiếu cùng kỳ từ 4,6% lên 33,1%. Bên cạnh đó tại HNX, BVSC đã quay trở lại top 10 thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, đạt 3,35% thị phần.
Tầm nhìn 2020
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào cộng đồng kinh tế thế giới mang lại những cơ hội và thách thức đan xen, Bảo Việt đã chủ động xây dựng chiến lược giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2016 Bảo Việt sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, kiến tạo các giá trị bền vững trên toàn hệ thống để làm tiền đề phát triển, khẳng định đẳng cấp quốc tế và vị trí số 1 trên thị trường tài chính - bảo hiểm tại Việt Nam đến năm 2020.
Với tầm nhìn Giữ vững vị thế là Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, Bảo Việt đặt mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp giữ vị trí số 1 thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ, cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước; có nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu quản trị, kinh doanh trên toàn hệ thống.
Bảo Việt đặt mục tiêu đạt khoảng 80.000 - 85.000 tỷ đồng tổng tài sản hợp nhất, khoảng 33.000 - 35.000 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, Bảo Việt đã xây dựng chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2016 - 2018 là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư nền tảng để chuẩn bị hành trang sẵn sàng cất cánh vươn xa giai đoạn 2019 - 2020.
Vai trò của Công ty Mẹ - Tập đoàn Bảo Việt trong quá trình thực hiện chiến lược 2016 - 2020 sẽ được phát huy mạnh mẽ thông qua: Quản trị tập trung, điều phối nguồn lực trong toàn Tập đoàn về tài chính - nhân sự - đào tạo, công nghệ thông tin, thương hiệu, đầu tư, xây dựng cơ bản; Đẩy mạnh hợp lực nhằm tối ưu hóa nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng thể; Tăng cường năng lực tài chính của Công ty Mẹ để thực hiện tốt chức năng đầu tư vốn vào các công ty con trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống và các ngành nghề kinh doanh mới tiềm năng.
Đối với các công ty con, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tập trung hoàn thiện mô hình kinh doanh theo định hướng quản lý tập trung, đẩy mạnh hoạt động bán hàng và dịch vụ khách hàng; Phát triển và khai thác các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đem lại giá trị dài hạn cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản phẩm dịch vụ tài chính, bảo hiểm trong từng giai đoạn khác nhau trong vòng đời của khách hàng; Nâng cao năng lực các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ truyền thống song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các kênh, mô hình phân phối, khai thác mới tiên tiến, phát huy tối đa sức mạnh hợp lực hệ thống.