Tờ trình ngày 27/01/2015 của Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ về dự án BLHS (sửa đổi) đã kiến nghị đưa một số hành vi trục lợi, gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào BLHS, thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Cụ thể: Điều 215 - Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (KDBH); Điều 216 -Tội gian lận bảo hiểm xã hội; Điều 217 - Tội gian lận bảo hiểm y tế; Điều 218 - Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Đồng tình thêm tội danh trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật hình sự
Một cựu lãnh đạo một công ty bảo hiểm có tiếng tại Việt Nam chia sẻ rằng:
“Luật bảo hiểm của nước ta chủ yếu là xử phạt hành chính, người vi phạm khi ra tòa cũng chỉ bị kết tội “lừa đảo” nếu đã nhận tiền bồi thường từ DNBH; còn nếu vụ việc chỉ dừng lại ở việc phát hiện hành vi gian dối thì “hòa cả làng”. Chính vì luật định không chặt chẽ nên đã tạo nhiều sơ hở cho kẻ tham làm bậy mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
“Hiện nay, Bộ Tư pháp thuận theo đề xuất của Bộ Tài chính, đồng ý đưa phần chế định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật Dân sự, đồng thời bổ sung hành vi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền nặng, thậm chí phạt tù theo luật Hình sự. Tôi cho rằng đây là quyết định đúng thời điểm, hợp lòng dân của Chính phủ, bởi tính răn đe và mức hình phạt đủ mạnh với người trục lợi, không còn là xử lý tiền sự mà đã cấu thành tiền án rõ ràng.
Điều này hạn chế những tổn thất tài chính trực tiếp của DNBH, ngăn chặn việc chiếm đoạt Quỹ bảo hiểm do người dân, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể xã hội đóng góp, đồng thời trả lại môi trường lành mạnh cho thị trường bảo hiểm trong nước”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Luật sư Lê Thu Hiền, Đoàn Luật sư TP HCM cũng có quan điểm đồng tình về việc này. Theo bà Hiền, mặc dù BLHS đã có quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng lại quy định chung cho nhiều trường hợp. Việc luật hóa hành vi trục lợi bảo hiểm là cần thiết vì số tiền chiếm đoạt trong bảo hiểm thường từ khá lớn đến rất lớn, nên thiệt hại thường ở mức độ nghiêm trọng.
Việc bổ sung điều luật vể trục lợi bảo hiểm này có tác dụng răn đe đối với những đối tượng cố tình thực hiện các hành vi trái pháp luật, đồng thời giáo dục, phòng ngừa những đối tượng đang nảy sinh ý đồ trục lợi, gian lận nhằm chiếm đoạt tiền của DNBH.
Bà Hiền chia sẻ, khi thêm tội danh trục lợi bảo hiểm vào BLHS thì cần sửa đổi hoặc bổ sung thêm các biện pháp chế tài vào Luật KDBH, nếu không sẽ gây ra xung đột pháp luật. Bởi, cùng là hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường, Luật KDBH quy định biện pháp chế tài chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó BLHS thì là hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù.
“Ngoài ra, khi luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm, cần đảm bảo rằng mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc, tương đương với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hai hành vi này là như nhau”.
Các hình thức gian lận bảo hiểm điển hình
Chưa đồng tình: Thêm tội danh trục lợi bảo hiểm vào Bộ luật hình sự
Nhìn ở khía cạnh khác, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, Điều 215 - Tội trục lợi trong KDBH chưa cần thiết phải tách thành một điều luật riêng biệt, bởi việc kinh doanh bảo hiểm đã được qui định chi tiết theo Luật về KDBH… Do đó, luật sư Nguyên Lễ chưa ủng hộ dự thảo thêm Điều 215 - Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm vào BLHS.
Ông Lễ cho biết: “Theo dự thảo thì hành vi phạm tội trục lợi trong KDBH có bản chất giống hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 BLHS, nhưng có mức xử phạt nhẹ hơn và còn có thêm nội dung “miễn trách nhiệm hình sự” thì vẫn không đủ sức răn đe đối với người phạm tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, quy định về tội trục lợi trong KDBH tại Điều 215 Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi lần này đang hình sự hoá quan hệ dân sự và sẽ gây chồng chéo với các quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS hiện hành), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS hiện hành).
“Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì DNBH phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các thông tin, hồ sơ hưởng bảo hiểm để tránh trường hợp chi trả mức bảo hiểm vượt quá thiệt hại thực tế. Và nếu có trường hợp chi trả mức bảo hiểm vượt quá thiệt hại thực tế, thì cần xem đây là một dạng rủi ro trong kinh doanh mà DNBH phải lường trước để tính vào phí bảo hiểm mà mình cung cấp. Đồng thời, đối với trường hợp khách hàng sử dụng hồ sơ giả hoặc có yếu tố gian dối nhằm chiếm đoạt, trục lợi khoản tiền bảo hiểm thì hành vi này đã có thể xem xét áp dụng quy định tại Điều 139 BLHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý”, ông Hậu nói.
Tuy nhiên, luật sư Lê Hồng Hưng, Phó TGĐ phụ trách Giám định - Bồi thường - Pháp chế tại Công ty Bảo hiểm Viễn Đông không cho rằng có thể vận dụng Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản truy cứu trách nhiệm hình sự vào hành vi trục lợi bảo hiểm.
Bởi Điều 8 của Bộ luật hình sự quy định : “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự...”. BLHS hiện hành không có tội danh nào là “Tội trục lợi bảo hiểm”. Do đó, hành vi “trục lợi bảo hiểm” chưa được coi là tội phạm. Hành vi trục lợi bảo hiểm chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 38 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 và Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013.
Rõ ràng, hành vi trục lợi bảo hiểm chưa được quy định trong BLHS, chỉ bị xử phạt hành chính trong 2 nghị định trên, vì thế không thể áp vào tội danh lừa đảo để xử lý hình sự. Việc bổ sung tội danh “Tội gian dối (hoặc lừa gạt) chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm” vào BLHS nhằm xử lý hình sự hành vi trục lợi bảo hiểm là cần thiết. Bởi hành vi trục lợi bảo hiểm nếu để bùng phát mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư và đe dọa đến an ninh hệ thống tài chính quốc gia.
Theo ông Hưng, để tránh xung đột pháp luật, khi luật hóa tội danh trục lợi bảo hiểm, cần bỏ chế tài hành chính đối với hành vi này trong 2 nghị định trên, thay vào đó, cần quy định mức chế tài hình sự tương đương hoặc nặng hơn so với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thêm tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm vào Bộ luật hình sự?
Giải pháp bảo vệ trước tình trạng trục lợi bảo hiểm
Trước nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc luật hóa hành vi trục lợi bảo hiểm, các chuyên gia trong ngành cho rằng, trong khi trông chờ vào sự thay đổi của pháp luật, các doanh nghiệp cần phải thực hiện những biện pháp nhằm tự bảo vệ mình trước vấn nạn trục lợi, gian lận bảo hiểm.
Khi giám định viên có mặt tại hiện trường. Thiết lập đường dây nóng, thành lập bộ phận trực giải quyết tai nạn 24/24h hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng;
Cần có sự phối hợp, ký cam kết, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chức năng: cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương...
Chuẩn hóa trình độ chuyên môn của đội ngũ giám định viên: thường xuyên gửi cán bộ đi học củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn; Tuyên truyền nâng cao ý thức cho giám định viên bởi quyết định của họ có ảnh hưởng lớn đến số tiền bồi thường. Đặc biệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Chuyên môn hóa nghiệp vụ giám định bồi thường: Tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ giám định bồi thường và những kỹ năng nghề nghiệp cho giám định viên. Ngoài đào tạo nội bộ, DNBH nên đầu tư bằng cách mời các chuyên gia đến từ các tổ chức, công ty giám định có uy tín trong và ngoài nước đến giảng dạy cho giám định viên.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Hiệp hội bảo hiểm mở cổng thông tin chung nhằm chia sẻ thông tin về tình hình trục lợi, bồi thường, khai thác của tất cả các thành viên DNBH.
Thêm vào đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần kiến nghị cơ quan Công an về việc tăng cường phối hợp điều tra, giải quyết các vụ khiếu nại bồi thường bảo hiểm có dấu hiệu nghi vấn trục lợi do các DNBH đề nghị; đồng thời có cơ chế ràng buộc chung đối với tất cả các DNBH về việc tăng tỷ lệ phí bảo hiểm hoặc không nhận bảo hiểm đối với khách hàng có lịch sử trục lợi bảo hiểm, lịch sử tai nạn/tổn thất nhiều lần.