(ĐTCK) Dù đã phát triển hơn chục năm nay và đã chi trả cho hàng vạn khách hàng mua bảo hiểm số tiền hàng nghìn tỷ đồng, nhưng ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam trong một số tình huống vẫn bị hiểu nhầm là dùng luật làm khó khách hàng. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên mà không phải người mua bảo hiểm nào cũng hiểu, đối với các công ty bảo hiểm, mọi yêu cầu bảo hiểm chỉ được giải quyết trên cơ sở… hợp đồng.
Bảo hiểm liên quan đến sức khỏe hiện đang là vấn đề "nhạy cảm" với nhiều công ty bảo hiểm
Khách hàng phải chịu trách nhiệm về lời khai
Chị Nguyễn Thị N. (Hà Nội), sau khi vào Viện K (Bộ Y tế) khám bệnh, biết mình bị ung thư đã vội vàng mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty X. và khi điền vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm chị này đã “quên” không điền bệnh án đã có. Gần một năm sau khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, chị N. bị tử vong với nguyên nhân ung thư cổ tử cung. Sau khi tiến hành điều tra cái chết bất ngờ của chị N, Công ty X. mới biết chị này đã không trung thực và có chủ ý gian lận khi khai báo trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm E. cũng dính một vụ tương tự, khi khách hàng T. ký hợp đồng bảo hiểm với mệnh giá 500 triệu đồng mà “quên” không ghi bệnh án ung thư trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Khi rủi ro xảy ra, Công ty bảo hiểm E. từ chối bồi thường vì khách hàng đã “vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực như quy định của hợp đồng bảo hiểm”. Đó cũng là lúc tranh chấp nổ ra giữa người nhà khách hàng và công ty bảo hiểm.
Đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, hầu như tháng nào, Công ty cũng phải xử lý những vụ tranh chấp kiểu này. Hầu hết những vụ việc như vậy, nếu chiểu theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì khách hàng sai. Nhưng, tùy từng trường hợp mà Công ty có cách giải quyết khác nhau sao cho hợp tình hợp lý.
Bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực sức khỏe hiện đang là vấn đề “nhạy cảm” đối với nhiều công ty bảo hiểm, bởi số vụ trục lợi liên quan đến vấn đề này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với hai trường hợp cụ thể trên, khoan hãy bàn đến chuyện có hay không việc khách hàng cố tình không khai báo đúng để trục lợi bảo hiểm, mà chỉ xét ở khía cạnh có thể những khách trên không hiểu hết ý nghĩa của việc phải khai báo trung thực khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm, dù các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn thường xuyên khuyến cáo và yêu cầu khách hàng phải đọc thật kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi đặt bút ký.
Trở lại vấn đề khách hàng khi mua bảo hiểm kê khai bệnh tật không đúng so với thực trạng dẫn đến việc khi có rủi ro xảy ra công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, nhiều trường hợp khách hàng đã khiếu nại rằng việc cung cấp thông tin sơ bộ là của khách hàng, còn việc kiểm chứng thông tin là của công ty bảo hiểm. Nhưng tìm hiểu kỹ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, không có quy định nào yêu cầu công ty bảo hiểm phải tổ chức khám sức khỏe cho khách hàng trước khi chấp thuận bảo hiểm.
Trên thực tế, các công ty bảo hiểm có thể yêu cầu khách hàng kiểm tra sức khỏe trước khi phát hành hợp đồng. Việc khám sức khỏe có chính xác hay không còn tùy thuộc vào việc kê khai đầy đủ và trung thực về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm. Vì vậy, nguyên tắc tuyệt đối trung thực trong khai báo thông tin sức khỏe của người được bảo hiểm được đặt lên hàng đầu. Đây là cơ sở pháp lý để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực…
Chưa rõ, phải hỏi
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từng nhiều lần khuyến cáo người mua bảo hiểm cần xem xét rất kỹ các quy định trong hợp đồng. Theo ông Lộc, trước khi mua bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm đưa cho giấy yêu cầu bảo hiểm để khách hàng điền nội dung (như tên, tuổi, địa chỉ, yêu cầu bảo hiểm…), giấy này cũng ghi rõ sau khi đọc rõ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm chấp nhận tham gia bảo hiểm.
Như vậy, vô tình người tham gia bảo hiểm đã chấp nhận toàn bộ quy tắc, điều khoản mà doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Những vấn đề mà người tham gia bảo hiểm chưa rõ thì có thể hỏi người tư vấn viên và bắt buộc người tư vấn phải trả lời. Điều này đã được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu tranh chấp xảy ra, người mua bảo hiểm không thể vin cớ là người tư vấn không giải thích thấu đáo hoặc tư vấn sai.
Các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, cùng với thời gian, những khó khăn phổ biến là sự hiểu biết của người dân về nguyên tắc bảo hiểm chưa cao, dẫn đến những thắc mắc, khiếu kiện không đáng có sẽ dần mất đi.
Thực tế, sau hơn một thập kỷ phát triển và dù đang gặp rất nhiều khó khăn cả về khách quan (tình hình kinh tế suy thoái) và chủ quan (tình trạng gian lận, trục lợi trong bảo hiểm đang gia tăng về số lượng, thủ đoạn càng lúc càng tinh vi và phức tạp, với tổng số vụ trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ được phát hiện trong giai đoạn 2007 – 2011 là 40.731 vụ, tổng số tiền trục lợi là 261,8 tỷ đồng – theo báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính), nhưng trong bức tranh toàn cảnh về thị trường bảo hiểm, gam màu sáng vẫn là chủ đạo.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm qua vẫn duy trì đà tăng trưởng, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2013 ước đạt 47.074 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2012. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.359 tỷ đồng, tăng 6,6%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.648 tỷ đồng, tăng 23,1%.
Điều này chứng tỏ số lượng khách hàng tin tưởng vào ngành bảo hiểm nhân thọ ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã hoàn thành trọng trách của mình với những khách hàng không may gặp rủi ro, với tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 18.814 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 10.719 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 8.095 tỷ đồng (số liệu của Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh những hiểu nhầm không đáng có, khách hàng bảo hiểm cần được tư vấn viên/đại lý bảo hiểm giải thích kỹ càng… Bởi với hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có các điều khoản, quy định rất phức tạp, người mua bảo hiểm không dễ dàng hiểu được tất cả các điều khoản. Mặc dù, công ty bảo hiểm nào cũng có bộ phận tư vấn thêm cho khách hàng trong thời gian 21 ngày tự do xem xét, nhưng thực tế, vai trò của người tư vấn đầu tiên vẫn là quan trọng nhất.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các công ty bảo hiểm chính là việc đào tạo, nâng cao trình độ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm khi tư vấn cho khách hàng.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.
Gia An