Thưa ông, việc bán bảo hiểm bắt buộc theo kiểu “bia kèm lạc” đang xảy ra “như cơm bữa” và mỗi doanh nghiệp bảo hiểm lại có một giá khác nhau. Ông nghĩ sao những hợp đồng mua bán kiểu này?
Đúng là thị trường bảo hiểm đang tràn lan bán bảo hiểm bắt buộc “2 trong 1” nói chung, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ nói riêng. Trong đó, phổ biến việc doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm tài sản theo đơn tự nguyện kèm cháy nổ bắt buộc và giấy chứng nhận bảo hiểm được cấp sau đó thì có đầy đủ dòng chữ “bảo hiểm cháy nổ bắt buộc”, vẫn đáp ứng quy định về phòng chống cháy nổ.
Về mặt kỹ thuật có thể thấy: 1. Trường hợp phí bảo hiểm tự nguyện lớn hơn hoặc bằng biểu phí; 2. Thế nhưng, nếu ngược lại (phí bảo hiểm tự nguyện nhỏ hơn biểu phí cháy nổ bắt buộc) thì có thể thấy tính tuân thủ pháp luật chưa được tôn trọng.
Chẳng hạn, mức phí bảo hiểm bắt buộc đối với bệnh viện (mã ngành 07102) là 0,7% trong khi đó phí bảo hiểm tự nguyện chỉ 0,055% tổng giá trị tài sản. Vậy, nếu cấp đơn bảo hiểm tự nguyện kèm cháy nổ bắt buộc, tỷ lệ phí bảo hiểm phải từ trên 0,7%. Đây chính là bằng chứng cho thấy việc chưa tuân thủ chế định (chế độ và quy định) bảo hiểm bắt buộc của nhà bảo hiểm và khách hàng
Và khi đã rơi vào trường hợp 2, nhiều khả năng hợp đồng sẽ có nguy cơ bị vô hiệu bởi giao kết hợp đồng trái quy định pháp luật; hoặc có hành vi cấu kết giữa hai bên nhằm lừa dối, thụ đắc khoản lợi thiếu minh bạch trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, phía khách hàng thụ đắc khoản lợi về phí bảo hiểm chênh lệch so với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (nếu phí bảo hiểm tự nguyện nhỏ hơn phí bảo hiểm bắt buộc); trong điều kiện này doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đóng góp ít hơn hoặc không đóng góp vào quỹ Phòng cháy chữa cháy theo nghị định số 130/2006/NĐ-CP.
Nhà bảo hiểm nhận khoản phí bảo hiểm tự nguyện, nhưng lại cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, lách luật đối với cơ quan quản lý nhà nước cho thấy dấu hiệu lừa dối trong giao dịch.
Dĩ nhiên, ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ trên cơ sở học thuật, không làm thay công việc của tòa án. Chỉ muốn cảnh báo nguy cơ hiện hữu đó là trong trường hợp như trên hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu, và khi đó khách hàng sẽ là người hoàn toàn gánh chịu tổn thất.
Tất nhiên, nếu không có sự cố gì xảy ra thì mọi chuyện vẫn êm thấm. Còn nếu không may thì nguy cơ khách hàng sẽ khó được bảo vệ là hiện hữu.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu vi phạm về tỷ lệ phí thì doanh nghiệp bảo hiểm quá khó để từ chối bồi thường bởi 2 bên thường tự thương lượng. Cực chẳng đã mới tìm đến tòa án nhưng tòa án Việt Nam lâu nay vẫn ưu tiên bảo vệ người được bảo hiểm, cùng lắm là xử phạt/quy trách nhiệm cá nhân. Vậy khi đó nếu có vô hiệu thì cũng chỉ là vô hiệu 1 phần?
Sau khi ký kết hợp đồng mua bảo hiểm bắt buộc cháy nổ, khách hàng nộp đủ phí theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm khó có thể thoái thác trách nhiệm được.
Tuy nhiên, cũng không hẳn như những gì chúng ta nghĩ về một phiên tòa xử tranh chấp bảo hiểm. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, hợp đồng có thể vô hiệu bởi một lý do cực kỳ đơn giản dù vô tình hay cố ý.
Là người bán hàng, cho dù đứng trên quan điểm suy luận có lợi cho khách hàng, tại sao chúng ta lại chấp nhận hợp đồng có thể bị vô hiệu dù chỉ một phần? Liệu có cách nào tốt hơn trong quản lý mà thụ động chấp nhận điều sai quấy đó? Những người đặt bút ký hợp đồng trong điều kiện này sao phải chấp nhận điều mình hiểu chính xác là chưa minh bạch?
Không chỉ với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nói riêng theo quy định của pháp luật đều buộc các đối tượng có liên quan phải thi hành nhằm đảm bảo mục đích an toàn, an sinh xã hội. Đã là quy định pháp luật thì bình đẳng giữa các đối tượng mà nó chi phối, nghĩa vụ phải biết nội dung của chế định là bắt buộc đối với các bên và không được làm thay đổi bản chất của chế định đó. Như vậy, người tham gia bảo hiểm không thể nói tôi không có nghĩa vụ phải biết thông tin về phí bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước ban hành. Hành vi cố tình thay đổi biểu phí của hai bên nhằm thủ đắc một khoản lợi thiếu minh bạch (so với quy định pháp luật) có thể coi là dấu hiệu lừa dối trong giao dịch.
Nhưng dường như còn sớm để kết luận hợp đồng bảo hiểm có chắc chắn bị vô hiệu hay không, thưa ông?
Đúng vậy, vẫn còn sớm để đưa ra kết luận cuối cùng, nhưng nguy cơ tiềm ẩn là có. Vấn đề đặt ra là ở thì tương lai, nhưng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra trong hiện tại nếu tranh chấp không tự thương lượng, buộc mang nhau ra tòa để giải quyết.
Như đã phân tích, cách làm như vậy chỉ có lợi cho nhà bảo hiểm, vô tình đẩy khách hàng vào thế khó nếu phát sinh sự cố sau này.
Vậy, sao ngay lúc này đây, chúng ta không cùng những nhà quản lý vá lỗ thủng này để hướng tới một thị trường bảo hiểm minh bạch, trong sạch và bình đẳng hơn, tự tin vững bước khi hợp tác với các bạn bè quốc tế trong tương lai.
Không ngại chỉ ra tồn tại của thị trường dù đó đang xảy ra ở thì hiện tại hay tương lai, ông có đề xuất gì lên Bộ Tài chính hay cơ quan cấp cao hơn? Liệu liên Bộ Tài chính - Bộ Công An có nên tiếp tục ấn định mức phí bảo hiểm chi tiết (như hiện nay) thay vì tự để doanh nghiệp định liệu, lãi lỗ tự chịu còn hơn bị coi là “lừa dối” hay không?
Trước các câu chuyện mang tính thị trường, chúng tôi muốn thẳng thắn chia sẻ quan điểm mang tính cảnh báo, muốn chỉ ra những cạm bẫy của nghề nghiệp để có thể cùng tránh, vẫn biết tránh nó hay lao vào là quyết định của mỗi người hành nghề bảo hiểm. Biết sai mà không sửa, thấy trái mắt mà không lên tiếng, là vi phạm nguyên tắc số 1 của nghề bảo hiểm: Nguyên tắc trung thực tuyệt đối.
Còn về việc định phí bảo hiểm, theo tôi mỗi thị trường sẽ có mức độ rủi ro ở từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, các nhà hoạch định chính sách, tính phí và nhận tái bảo hiểm hẳn đã có số liệu chi tiết của thị trường Việt Nam mới đưa ra được biểu phí bắt buộc.
Việc định phí tối thiểu của Chính phủ đối với bảo hiểm bắt buộc có cơ sở khoa học riêng của nó, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh. Điều này không những giúp cho doanh nghiệp bảo hiểm tạo lập quỹ dự phòng bồi thường tốt hơn mà còn đảm bảo tính chắc chắn Người được bảo hiểm phải tham dự vào việc thiết lập nguồn quỹ dư phòng này. Đây chính là vai trò định hướng của Nhà nước đối với thị trường, nếu chỉ dừng lại ở việc tự để doanh nghiệp định liệu, lời ăn, lỗ chịu, vai trò này của Nhà nước không còn. Và như vậy, không còn “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Vậy, để làm tốt vai trò quản lý, đinh hướng nêu trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặc chẽ hơn việc thi hành các chế định bảo hiểm bắt buộc nói chung, bảo hiểm tài sản nói riêng. Điều này Chính phủ đã làm tốt đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới.
1. Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây: a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm; b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại; c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 2. Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm, điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Ngoài bảo hiểm cháy nổ, theo quy định hiện hành, luật bảo hiểm bắt buộc còn bao gồm các loại hình sau: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trong đầu tư xây dựng công trình ... |