Bạn có một công việc và Tấn cũng thế!
Tấn năm nay 24 tuổi nhưng dễ thương như một đứa trẻ. Cậu rất hay cười, nụ cười vô tư, hồn nhiên lắm. Mỗi lần nói chuyện, cái miệng cậu lại kéo dài ra, đôi tay khua lên hỗ trợ cử chỉ nhìn rất sinh động.
7 tháng qua, Tấn thường đi đánh giày ở khu vực đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Chàng trai này đánh giày rất tỉ mẩn, bóng đẹp mà giá chỉ 10.000 đồng/đôi. Công việc này với Tấn thực ra rất vất vả vì cơ tay của cậu chẳng hề khỏe mạnh gì nên dễ bị mỏi. Thế mà Tấn lúc nào cũng vui vẻ và rất yêu nghề.
Bạn có một công việc, Tấn cũng thế nhưng tôi chắc rằng, trong số chúng ta, không phải ai cũng yêu nghề như Tấn đâu, nhất là một nghề lao động chân tay vất vả, thu nhập thấp.
Tất rất vui khi làm công việc của mình.
Dù hai tay của cậu luôn khó khăn khi cầm nắm.
“Ghét nhất cảm giác bị xem là kẻ lừa đảo, xin tiền”
Tôi tình cờ gặp Tấn ở khu đô thị Nam Cường (Hà Nội) vào một ngày hè khá dịu mát. Nếu Tấn không đánh giày đẹp, giá rẻ và không hay cười như thế, chắc tôi cũng sẽ không để ý. Ngồi nhìn cậu đánh giày, tôi thấy lâu quá, lòng cứ tự hỏi, sao ngồi đánh giày thuê mà cứ nâng niu đôi giày như của mình vậy.
Tôi hỏi Tấn, cậu chỉ cười ngượng ngùng. Mãi sau, phải khó khăn lắm, Tấn mới nói ra được hết những gì đang nghĩ trong đầu và câu trả lời khiến tôi xúc động nhiều lắm.
Nụ cười luôn xuất hiện trên gương mặt Tấn.
Tấn nói mình sức khỏe yếu lại không biết chữ nên nghề đánh giày là phù hợp nhất với bản thân. Cậu rất trân trọng nó vì đấy là “cái cần câu cơm”, là nhịp cầu nối Tấn xích lại gần với thế giới ngoài kia. Không có việc làm, phải lang thang ngoài đường mà vô định, chẳng có lý do gì thì buồn lắm. Và Tấn thì lúc nào cũng mong mình có thể tự lập, không bao giờ nghĩ đến chuyện tha thẩn xin ăn.
Đi lại khó khăn nhưng lúc nào Tấn cũng tỏ ra rất vui vẻ, tự tin.
Ở những quán nước ven KĐT Nam Cường, hầu hết mọi người đều là khách quen của Tấn. Vì thế, cậu càng tỏ ra thoải mái và trò chuyện thân thiện hơn. Có vài người trêu Tấn, hỏi cậu có muốn làm người “nổi tiếng” trên mạng không, Tấn lại gãi đầu, cười ngượng ngùng.
Tấn trả lời cậu không thích điều ấy vì sợ trên mạng đông người, có người không hiểu, họ lại nói cậu là lừa đảo. “Mình ghét và buồn lắm mỗi khi nghe thấy thế”.
Như để chứng minh, Tấn lấy trong túi áo chiếc thẻ xe buýt đi lại miễn phí, trong đó có ghi tên tuổi và chứng thực cậu bị khuyết tật. Vừa đưa tấm thẻ ra, Tấn vừa kể, hàng ngày cậu bắt xe buýt từ Đông Anh sang khu vực đường Phạm Văn Đồng làm việc. Ở KĐT Nam Cường, ai cũng biết cậu, rằng Tấn không phải người ăn xin hay kẻ lừa đảo.
Tấn lấy tấm thẻ chứng minh mình là người khuyết tật thực sự.
Cậu rất vui khi được đánh giày, phục vụ khách.
Có khách gọi đánh giày, Tấn vội vàng chạy đến làm việc. Cậu say sưa đánh sạch bóng từng chiếc giày cho khách. Có ai trả thừa tiền, Tấn đều thối lại nên nhiều người có lòng tốt, phải nói khéo là thưởng thêm, Tấn mới chịu nhận.
Nhiều người cứ bảo Tấn đánh giày rẻ quá nhưng cậu chỉ cười. Cậu nói rằng mức giá như vậy là vừa đủ nên không lấy hơn. Ngày đắt khách, Tấn kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Hôm nào mưa gió, thưa người thuê, cậu chỉ kiếm được vỏn vẹn 10.000 đồng. Tính ra chẳng đủ bù công sức vất vả đi lại. Thế mà Tấn không buồn. Tấn nói 10.000 đồng cũng là tiền, cũng quý lắm nên còn sức là cậu sẽ đi, bất kể là ngày mưa hay nắng.
“Ước mơ lớn nhất là được đi học để biết mặt chữ”
Tấn đánh giày không chỉ để kiếm ăn mà còn vì một ước mơ đẹp lắm. Cậu mơ được đi học để biết mặt chữ. Xa hơn, Tấn muốn học cái gì đó liên quan đến máy tính, để không cần đi lại nhiều mà vẫn có thể kiếm tiền mưu sinh.
Trước đây Tấn từng hỏi thăm một vài trung tâm dạy học cho người khuyết tật nhưng vì tốn kém quá nên đành từ bỏ. “Không cần đóng học phí nhưng tiền ăn ở đã hết 3 triệu đồng/tháng. Nhà mình nghèo, không đủ sức nên mình không thể đi học”, Tấn khó nhọc nói từng chữ.
Anh Thắng (một lái xe taxi quanh KĐT Nam Cường) tâm sự: “Cậu bé này ham học lắm, nhớ được một vài ký tự và rất đam mê điện thoại hay các sản phẩm công nghệ. Ở đây nhiều người quý nó vì tính chăm làm, ham học nên hay dạy cậu ấy tập tô, tập viết và Tấn tỏ ra rất thích”.
Tấn nhẩm tính mình đã đi đánh giày được khoảng 7 tháng, cũng tích cóp được ít tiền. Cậu dự định khi nào kiếm đủ vốn sẽ tạm nghỉ việc để đi học vì đấy là ước mơ lớn nhất trong đời.
Bây giờ Tấn thuê trọ một mình gần cầu vượt Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Tấn bảo không muốn ở cùng gia đình nữa để có thể sống tự lập hơn và không trở thành gánh nặng của ai cả.
Trước lúc về, tôi có nhờ Tấn đánh giúp một đôi giày nhưng vì bận quá, chưa kịp đánh dù tiền đã trả trước. Tấn vội đưa lại tôi số tiền ấy, cậu nhất định không nhận nếu không đánh giày cho tôi. Tôi nói là tôi sẽ còn đi qua đây và lúc khác sẽ bắt cậu ấy đánh bù. Tấn cười toe toét và cứ dặn tôi nhất định phải quay lại.
Khi có khách gọi, dù phải đi xa một chút Tấn cũng sẽ nhanh chóng có mặt và cười rất tươi chào họ.
Trong câu nói cuối cùng với chúng tôi hôm nay, Tấn vẫn nhắc rằng cậu không phải ăn xin, không phải kẻ lừa đảo. Tôi chợt nghĩ, có lẽ chúng ta đã có quá nhiều những nỗi hoài nghi dành cho nhau. Thế nên những người như Tấn, mỗi khi bước ra ngoài làm việc, đâu chỉ có những khó khăn thể chất, họ còn phải dũng cảm lắm mới bước qua được sự dè bỉu, nghi ngại của người đời.
Và cũng như những gì cư dân mạng kêu gọi, tôi chỉ muốn nói là: Ai mà thương Tấn, thì hãy lui lại đây đánh giày, đừng mang tiền cho cậu ấy, vì cậu không muốn bị coi là ăn xin!
Theo Tri Thức Trẻ/ Kênh 14.