Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nước
Để tăng sức cạnh tranh cho nhà bảo hiểm đang hoạt động tại thị trường Việt Nam khi TPP có hiệu lực, với độ mở thị trường lớn, các nhà bảo hiểm nội khối được cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, theo các chuyên gia, trước hết, cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DNBH đang hoạt động tại thị trường trong nước.
Ths. Tôn Thị Thanh Huyền, Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra những bất cập trong quy định hiện hành liên quan đến môi trường cạnh tranh.
Cụ thể, theo bà Huyền, quy định tại Thông tư 125/2012/TT- BTC “một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ” rõ ràng là nhằm mục đích hạn chế khả năng chi phối, gây rủi ro, mất an toàn hoạt động đối với DNBH cổ phần từ một cổ đông tổ chức. Tuy nhiên, tại một số DNBH, sở hữu của một số cổ đông đã vượt tỷ lệ khống chế 20% này nhờ điều khoản mở tại chính Thông tư 125 (Điều 29 quy định, một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ, trừ trường hợp: sở hữu cổ phần nhà nước tại DNBH theo lộ trình tái cơ cấu; sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược là tổ chức nếu cổ đông đó đáp ứng các điều kiện như có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD vào năm trước năm dự kiến là cổ đông nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của DNBH; 3 năm liên tục trước năm dự kiến là cổ đông chiến lược hoạt động kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế…).
“Điểm ngoại trừ tại Điều 29, Thông tư 125 tạo hướng mở cho DNBH cổ phần, để cổ đông lớn của họ vẫn có thể nắm giữ tỷ lệ chi phối (hơn 20% vốn điều lệ). Liệu quy định này có phù hợp với các yêu cầu cam kết của TPP và có gây tâm lý ỷ lại của DNBH vào sự “bọc lót” của cổ đông nắm quyền chi phối là các tổ chức kinh tế lớn?”, bà Huyền đặt câu hỏi.
Trên thực tế, cổ đông của một DNBH phi nhân thọ từng gửi đơn lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phản ánh về tình trạng một nhóm cổ đông mua gom cổ phiếu vượt quá tỷ lệ 20% nhằm khống chế hoạt động của DN này.
… và hoàn thiện chính sách bảo hiểm theo TPP
Tại một hội thảo về cơ hội và thách thức của ngành bảo hiểm Việt Nam khi gia nhập TPP được tổ chức mới đây tại TP. HCM, các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý về bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn một số điểm chưa tương thích với các cam kết của TPP, như quy định về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về quyền sở hữu tài sản được chuyển giao trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực...
Về quy định cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, Ths. Phan Phương Nam, Trường Đại học Luật TP. HCM cho biết, theo TTP, đối với các dịch vụ tài chính không được cam kết, Việt Nam bảo lưu quyền ban hành hoặc duy trì các biện pháp liên quan đến việc các cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mua các dịch vụ tài chính từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới. Trong khi đó, về đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới, Nghị định 123/2011/NĐ-CP quy định, là doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có trên 49% vốn ngoại và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Vấn đề ở đây, theo ông Nam, là cam kết TPP chỉ để cập đến việc hạn chế cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mua các dịch vụ tài chính, mà không đề cập đến việc Việt Nam được quyền ban hành hạn chế việc này đối với tổ chức. Do đó, quy định tại Nghị định 123 kể trên đã không còn phù hợp với tinh thần của TPP khi áp dụng cho hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm của DNBH thành viên TPP qua biên giới.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các quy định pháp lý của Việt Nam về cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho hoạt động bảo hiểm trên thị trường như dịch vụ tư vấn, đánh giá rủi ro, dịch vụ giám định, hỗ trợ giải quyết bồi thường, chuyên gia định phí... còn sơ sài hoặc chưa có.
Hoàn thiện thể chế pháp luật bảo hiểm cũng nhiều lần được người đứng đầu cơ quan quản lý về bảo hiểm, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh đề cập đến như một giải pháp cấp bách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DNBH, hướng tới thực hiện các chuẩn mực quốc tế, chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các cam kết quốc tế khi TPP có hiệu lực.