(HNM) - Việt Nam đang có cơ cấu dân số rất tốt cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Trong gần 100 triệu dân, có tới hơn 90% biết chữ và hơn 60% dân số dưới 30 tuổi. 


Tuy nhiên, để người dân được bảo vệ tốt về mặt tài chính, các nhà cung cấp BHNT còn phải nỗ lực rất nhiều. PV Báo Hànội mới đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc điều hành khu vực của Tập đoàn AIA, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên AIA Việt Nam về những vấn đề này.
 

- Trong những lần gặp gỡ báo giới gần đây, ông đề cập nhiều tới yếu tố bảo vệ trong BHNT, trong khi phần đông người dân đang quan niệm BHNT như là một kênh tiết kiệm? 

Sản phẩm BHNT một phần đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, nhưng cơ bản phải là mang lại sự bảo vệ. Cách đây 10 năm, người dân chưa quen với bảo hiểm và các kênh đầu tư, tiết kiệm vẫn còn hạn chế, thì phần lớn sản phẩm BHNT là để đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, tích lũy. Đó cũng là cách tiếp cận khách hàng phù hợp nhất vào thời điểm đó. Nhưng, những năm gần đây sản phẩm BHNT mang tính bảo vệ nhiều hơn hoặc sản phẩm thuần túy bảo vệ đã được giới thiệu cho khách hàng. Để phát triển ngành BHNT một cách đúng đắn thì phải chú trọng các sản phẩm bảo vệ. Một điều rõ ràng là khách hàng Việt Nam đang rất thiếu bảo hiểm. Mới chỉ có khoảng 5% dân số được BHNT và trong 5% số người có bảo hiểm này, mức độ bảo hiểm cũng chưa đủ.

- Theo ông, mức độ bảo hiểm thế nào mới có thể coi là đủ?

- Để trả lời câu hỏi này tôi xin đưa ra một số so sánh với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực, nơi ngành BHNT đã phát triển từ khá lâu. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), dân số chỉ là 7-8 triệu người, nhưng có tới hơn 100 công ty bảo hiểm. Vậy mà sau gần 100 năm khai thác người dân Hồng Kông vẫn còn thiếu 320 tỷ đô la Mỹ (theo nguồn Swiss Re). Singapore cũng là nơi thị trường BHNT đã phát triển gần 100 năm. Vậy mà gần đây, một vấn đề được báo chí đề cập nhiều và ngay cả Thủ tướng Singapore cũng phàn nàn là người dân còn thiếu bảo hiểm. Khi một người trụ cột không may gặp rủi ro, mức bảo hiểm phải cỡ khoảng 10 lần thu nhập năm của người đó thì mới có thể gọi là đủ để bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình.

- Vậy, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Trước tiên, cần phải có những sản phẩm mang tính bảo vệ cao để khách hàng lựa chọn. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất là đào tạo và phát triển đội ngũ đại lý BHNT chuyên nghiệp, tận tâm vì quyền lợi của khách hàng. Họ phải hiểu rất rõ về sản phẩm và đủ khả năng để phân tích tài chính với từng gia đình, trên cơ sở đó tư vấn sản phẩm và số tiền bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Đó là lý do mà Tập đoàn AIA đang nỗ lực thực hiện chương trình Đại lý toàn thời gian, Đại lý ngoại hạng để có những chuyên gia tư vấn tốt nhất. Một yếu tố quan trọng không kém là sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông để người dân hiểu hơn về yếu tố bảo vệ trong BHNT.

- Muốn mua bảo hiểm cũng phải có thu nhập và tích lũy thường xuyên. Làm sao người dân biết được tham gia bảo hiểm ở mức độ nào là phù hợp với khả năng tài chính của gia đình mà lại được bảo vệ đủ ?

- Như đã trao đổi, chúng ta cần những đại lý chuyên nghiệp để tư vấn phù hợp cho khách hàng. Ngoài ra công ty BHNT cũng phải có công cụ hỗ trợ để giúp đại lý của mình làm tốt việc này. Tại Việt Nam, AIA là công ty duy nhất có quy trình kiểm tra "sức khỏe tài chính", qua đó đại lý có thể phân tích thông tin, nhu cầu của khách hàng một cách kỹ càng và có hệ thống để tư vấn cho họ tham gia sản phẩm nào, mệnh giá bao nhiêu là phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Điều này cũng không nằm ngoài mục đích để khách hàng được bảo vệ tốt nhất.

- Từ góc độ nhà cung cấp dịch vụ, ông có thể cho biết kinh doanh BHNT tại Việt Nam có gặp nhiều rủi ro không, có gì khác so với các thị trường khác trong khu vực?

- Trong BHNT, rủi ro đầu tiên là rủi ro về xác suất tử vong, tai nạn. Về rủi ro này thì mỗi nước có một đặc điểm riêng. Rủi ro thứ hai là rủi ro trong đầu tư. Tập đoàn AIA nói riêng và các công ty BHNT nói chung là những nhà đầu tư thận trọng, phần lớn tài sản đầu tư là trái phiếu chính phủ. Một rủi ro khác, khá quan trọng, là rủi ro hủy hợp đồng. Ở Singapore và Hồng Kông tỷ lệ hủy hợp đồng trong năm đầu tiên khoảng 7-8%. Ở Việt Nam tỷ lệ hủy hợp đồng năm đầu còn cao hơn nhiều. Chúng ta biết rằng, hợp đồng BHNT là một cam kết dài hạn. Khi khách hàng vì một lý do nào đó phải ngưng hợp đồng trước thời hạn, đặc biệt là những năm đầu, thì không chỉ công ty bảo hiểm bị thiệt thòi vì chưa thu hồi được chi phí ban đầu, giá trị giải ước mà khách hàng cũng nhận được ít hơn so với số phí mà khách hàng đã nộp, mà quan trọng hơn là kế hoạch tài chính của khách hàng sẽ không được thực hiện.

- Có cách nào khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Tôi tin là khi chúng ta có đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, khi khách hàng được tư vấn tham gia sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính, tỷ lệ hủy hợp đồng sẽ giảm và cũng nhờ thế khách hàng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông.
Lê Duy Quang thực hiện

Theo Báo Hà Nội mới
 
Top